Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần tăng cường bồi dưỡng, giáo dục kiến thức pháp luật cho lực lượng dân phòng

Chủ Nhật, 20/12/2015 23:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Lực lượng dân phòng được thành lập tại Hà Nội từ năm 1997. Tính đến năm 2013, trên 10 quận nội thành, cùng với sự tăng trưởng về diện tích, mật độ cư dân của Thủ đô, số lượng dân phòng đã tăng đến hơn 1.600 người. Những năm qua, lực lượng dân phòng đã hỗ trợ khá hiệu quả cho cơ quan chức năng trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nội và ngoại thành Thủ đô.

Khuôn mặt sợ hãi của người phụ nữ bán hàng vì mưu sinh khi bị bắt.
 (Ảnh: VH)


Tuy vậy, ngoài những mặt tích cực trong công việc được giao, lực lượng dân phòng đã để lại không ít những hình ảnh phản cảm cho người dân Thủ đô. Những hình ảnh lực lượng dân phòng truy đuổi, giằng co hàng hóa của người bán hàng không còn là chuyện lạ đối với người dân. Những sự việc như trên đang xảy ra thường xuyên tại những con phố, khu vực chợ, hoặc trên những khu phố cổ trong nội thành Thủ đô.

Sáng ngày 14/12/2015, tại ngã 3 phố Yên Ninh và Phạm Hồng Thái (Hà Nội), chúng tôi đã chứng kiến môt sự việc khá bi hài: Từ góc phố, ba phụ nữ bán hoa quả rong dắt xe đạp thồ đang vội vã tháo chạy, phía sau họ là hai dân phòng phóng xe máy đuổi theo. Tiếp theo sau đó, các dân phòng giằng giật, xô đẩy, lôi kéo các giỏ hoa quả, mặc cho người bán hàng kêu khóc khiến nhiều người dân đi qua đều tỏ thái độ bất bình.

Ông Nguyễn Đình Xuân, cán bộ Công an nghỉ hưu sống tại phố Phạm Hồng Thái là một trong những người tận mắt chứng kiến sự việc, đã chạy tới cố gắng can ngăn những dân phòng ngừng lôi kéo đối với người phụ nữ bán hàng rong, đã bức xúc nêu ý kiến: “Tôi tán thành việc đưa những người bán hàng rong vào điểm tập trung, nhưng tuyệt đối không được phép giằng xé, lôi kéo hàng hóa của họ như vậy. Tôi cho rằng, lực lượng dân phòng có hành vi như vậy là hoàn toàn sai trái và thiếu hiểu biết về pháp luật”.

Anh Trần Nguyên Anh, một người khách qua đường tại đây cũng góp ý kiến sau khi chứng kiến vụ việc: “Việc giằng giật tài sản của người bán hàng rong là hành động rất phản cảm. Chẳng qua người bán hàng rong cũng vì miếng cơm, manh áo mà phải cố gắng mưu sinh. Họ cần được hướng dẫn để bán hàng đúng nơi quy định, chứ không phải bị  truy bức như vậy”.

Không riêng gì trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà ở nhiều đô thị trên cả nước đã từng xảy ra không ít  vụ việc liên quan đến cách hành xử của lực lượng dân phòng. Một số vụ việc để lại những hậu quả nghiêm trọng vì cách hành xử hung hăng và thiếu hiểu biết pháp luật của lực lượng này. Tháng 12/2013, tại Bình Thạnh (T.P Hồ Chí Minh), anh Trịnh Xuân T, một người bán hàng rong đã bị lực lượng trật tự phường “còng tay” và đánh đến ngất xỉu chỉ vì anh này cự cãi lại dân phòng sau khi bị “tịch thu” số rau quả anh đang bán. Hành động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng tại đây đã nhận được phản ánh gay gắt từ phía người dân...

Qua tìm hiểu, được biết, để được tham gia vào lực lượng dân phòng tại địa phương rất dễ dàng. Chỉ cần là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, không có tiền án, tiền sự, có đủ sức khỏe, lý lịch rõ ràng là có thể tham gia mà không yêu cầu đến hiểu biết, học vấn. Điều này dẫn tới một hệ quả đáng lo ngại vì không ít dân phòng thiếu am hiểu về kiến thức pháp luật, dẫn tới việc “lạm quyền” hoặc xử lý công việc theo cảm tính.

Theo Điều 6 của Nghị định số 38/2006NĐ-CP của Chính phủ quy định về quyền hạn của lực lượng Bảo vệ dân phố là: "Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở Công an phường theo quy định của pháp luật. Tham gia với lực lượng Công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách...."

Nghị định của Chính phủ cũng quy định về nhiệm vụ của Bảo vệ dân phố là: nắm tình hình; vận động nhân dân; đôn đốc, nhắc nhở nhân dân... nhưng hoàn toàn không đề cập tới quyền hạn của lực lượng dân phòng trong việc truy đuổi và trấn áp người bán hàng.... sai quy định.

Trước thực trạng trên, người dân đề nghị chính quyền cần sát sao hơn trong công tác tổ chức, quản lý bộ phận dân phòng tại địa phương. Cần tuyển chọn những người có  tư cách đạo đức, có hiểu biết về pháp luật. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về pháp luật và kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ, nhằm tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc trong việc lạm quyền, nhằm xây dựng  hình ảnh dân phòng gần gũi, thân thiện đối với người dân.


Bác Nguyễn Đình Xuân, cán bộ công an nghỉ hưu bức xúc về hành động giằng giật giỏ hàng
 của thanh niên dân phòng. Ảnh VH

Người dân bất bình vì thái độ của một dân phòng. Ảnh VH

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                  Vũ Hoàng 

 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN