Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần sớm thống nhất phương án quản lý thuốc lá mới

Thứ Năm, 01/08/2024 15:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ra tại Tọa đàm “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức sáng 1/8, tại Hà Nội.

Chia sẻ về thực trạng của thuốc lá mới, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội cho biết: Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên. Lợi dụng thuốc lá điện tử với thành phần là dung dịch lỏng hòa tan nên các đối tượng phạm tội đã pha trộn một số chất ma túy thế hệ mới vào tinh dầu của thuốc lá điện tử, gây ra những hệ lụy đối với sức khỏe người sử dụng và xã hội.

Trong khi đó, hiện đang có khoảng trống pháp lý trong quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng; cũng như việc quản lý hoạt động quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế, thiếu quy định phù hợp và chế tài xử phạt đủ sức răn đe.

Dưới góc độ khoa học, PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học Gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội thông tin: “Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp (là nghiên cứu có giá trị bằng chứng cao nhất) nhằm tổng hợp lại kết quả của các nghiên cứu cập nhật trên thế giới có so sánh độc tính của thuốc lá làm nóng so với thuốc lá truyền thống thông qua phân tích các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm. Kết luận từ nghiên cứu này cho thấy: Độc tính của thuốc lá làm nóng, đánh giá thông qua các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm giảm đáng kể so với thuốc lá truyền thống”.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: TH 

Trên cơ sở đó, PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn đề xuất: “Việc xây dựng chính sách phải dựa trên các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay do những hạn chế nhất định về nguồn lực và thời gian, việc chờ đợi kết quả các nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam, trên người Việt Nam là không khả thi. Do đó, chúng ta cần tận dụng có chọn lọc các bằng chứng từ các nghiên cứu đã có trên thế giới, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế uy tín và bài học kinh nghiệm của các nước để lựa chọn cách thức ứng xử phù hợp với thuốc lá làm nóng”.

Đề cập đến bất cập liên quan đến quyền lợi của người dùng nếu cấm thuốc lá mới, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu quan điểm: “Đứng về phía người dân, tôi cho rằng đây là một nhu cầu của xã hội; trong khi chúng ta còn tranh luận cấm hay không thì thực tế ngoài thị trường người dân vẫn đang sử dụng. Do đó, khuyến cáo các cơ quan Nhà nước sớm có quan điểm cụ thể để có giải pháp về quản lý nhà nước, lẫn thay đổi nhận thức của người dùng. Theo đó, nên xem xét cân nhắc giữa việc cấm thuốc lá mới và quản lý chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe của người dân, quyền lợi người tiêu dùng, cũng như đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước. Dưới góc độ phản biện từ Nhân dân, cần tổng rà soát mặt hàng này, nghiên cứu, khảo cứu, xem xét các công ty sản xuất uy tín, kiểm soát được nó dưới tác hại của con người, để đưa ra giải pháp quản lý phù hợp thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, cần sửa đổi Nghị định 67. Nếu đây là một loại thuốc lá thì đương nhiên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hoặc sửa đổi Nghị định để bổ sung điều chỉnh văn bản của Chính phủ, đưa vào quản lý, rồi đánh giá để sau đưa vào Luật".

Thống nhất mọi loại thuốc lá đều có hại cho sức khỏe, trong đó có thuốc lá mới, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, cần đánh giá tổng thể, nghiên cứu toàn diện mọi khía cạnh, dựa trên các căn cứ khoa học và pháp lý, sức khỏe, môi trường, quyền con người để quyết định việc cấm hay không thuốc lá mới.

Tại Tọa đàm, các đại biểu, đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan đều nhấn mạnh, mọi sản phẩm thuốc lá đều không an toàn, nhưng cần được quản lý như cách mà Nhà nước hiện đang kiểm soát thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá khác. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, các văn bản mang tính toàn cầu đã xác định thuốc lá làm nóng là thuốc lá, do đó các bộ, ngành liên quan cần sớm định nghĩa về sản phẩm này để làm cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát thuốc lá mới cũng như sớm thống nhất phương án quản lý thuốc lá mới trình Chính phủ, nhằm lấp khoảng trống pháp lý cho thuốc lá làm nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác./.

 

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN