Cần sớm khắc phục những bất cập giao thông ở khu vực Ngã Tư Sở
(ĐCSVN) - Ùn tắc cả vào giờ thấp điểm, những chiếc cột điện chỉ như “làm cảnh”, lòng đường chật chội, hè phố thiết kế lãng phí lối lưu thông... Đó là những bất cập đang gây bức xúc cho người dân sinh sống tại khu vực nút giao Vương Thừa Vũ – Trường Chinh – Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Có mặt tại khu vực trên trong những ngày gần đây, mặc dù mới 3 giờ chiều nhưng phương tiện đã ùn tắc cục bộ “không lối thoát” như một nút thắt cổ chai.
Gần đó là đầu đường phố Vương Thừa Vũ nối ra đường Trường Chinh, nườm nượp phương tiện di chuyển ra từ các khu vực phường Khương Mai, Khương Trung… tất cả đã khiến cho tình trạng giao thông tại khu vực trên trở nên tồi tệ hơn.
Bà Hoàng Thị Nam, một cư dân ở phường Khương Trung bức xúc: Đường giao thông khu vực Ngã Tư Sở nối ra đường Trường Chinh từ khoảng năm 2000 đến nay đã trải qua rất nhiều lần sửa chữa, mở rộng, nâng cấp, thậm chí đã có cầu vượt Ngã Tư Sở… song cho đến nay thì tình trạng tắc vẫn hoàn tắc.
Ghi nhận thực tế tại các thời điểm cao điểm trong ngày cho thấy, khi lượng phương tiện lưu thông lớn đạt mức độ đỉnh điểm, chúng tôi dễ dàng được chứng kiến dòng xe cộ ì ạch di chuyển, tiếng la ó của mấy bác tài xế xe buýt vì hết kiên nhẫn với những tốp xe máy nối đuôi nhau ken cứng vào đầu xe, khiến chiếc xe buýt liên tục phải phanh khựng lại…
Vừa chỉ tay về phía phương tiện ùn tắc trong bất lực, ông Nguyễn Trọng Hoàng, nhà ở ngay ngã 3 Vương Thừa Vũ – Trường Chinh cho biết: Khu vực Ngã Tư Sở từ lâu là điểm nóng về giao thông, nhưng chúng tôi không hiểu lí do gì mà các cấp chính quyền lại cho phê duyệt xây dựng thêm rất nhiều chung cư, cao ốc, tòa nhà thương mại hoành tráng sau khi giải tỏa một cây xăng. Tất cả các điều này đang khiến cho áp lực giao thông tại khu vực chúng tôi sinh sống tăng lên gấp hàng chục lần.
“Cách đây ít ngày, hai sinh viên Học viện An ninh đã bị xe ô tô cán tử vong tại chỗ, nguyên nhân do tắc đường, hai cháu ấy lách xe vượt lên lại vào điểm “mù” của lái xe, khiến xe cán lên người. Khi xảy ra sự việc những người đi đường đã tri hô cho tài xế, nhưng khi tài xế dừng được xe mọi việc đã quá muộn.” – Chị Trần Thị Thảo, một người dân sinh sống tại khu vực trên đã kể lại.
Một số người dân khác cho biết, 2 - 3 năm trở lại đây, khu vực đường Vương Thừa Vũ, Trường Chinh, Ngã Tư Sở được coi là những điểm đen giao thông, khi mà liên tục xảy ra các tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đã vậy, ngay vỉa hè tại ngã ba phía Ngã Tư Sở đi xuống Trường Chinh rất rộng có thể xén bớt tới vài mét để mở rộng lối thoát cho các phương tiện di chuyển, tuy nhiên, ở đây lại là các gờ, đảo giao thông khiến diện tích đường bị hạn chế.
Trên vỉa hè, địa điểm này đang tồn tại một cây cột điện rất "vô duyên", không có tác dụng gì (vì chỉ là cái cột không dây, không lắp đặt thiết bị), chỉ có tác dụng treo biển quảng cáo cho một nhà nghỉ nào đó. Người qua lại không khỏi ngạc nhiên trước những bố trí bất cập đến vô lý này.
Về nguyên nhân cơ bản của tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, đa số người dân cho rằng do bất cập trong việc quy hoạch hạ tầng, khiến mật độ dân cư tăng, kéo theo phương tiện giao thông tăng, đường sá quá tải.
Cạnh đó, nút giao Ngã Tư Sở là nút giao của các trục đường giao thông lớn như Nguyễn Trãi, Láng, Trường Chinh, Tây Sơn, hội tụ phương tiện từ các hướng đổ về rồi lan tỏa ra các quận, huyện nội thành, ngoại thành; việc các tòa nhà cao tầng, chung cư mọc lên dẫn đến tiếp tục tăng mạnh số lượng phương tiện khiến giao thông ùn tắc như một tất yếu; một ngã ba đông đúc như Trường Chinh – Vương Thừa Vũ nhưng đơn vị quản lí hạ tầng giao thông lại không bố trí lắp đặt đèn tín hiệu giao thông khiến cho việc điều tiết thủ công vừa vất vả, lãng phí nhân lực và không hiệu quả.
Trong các chủ trương quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị chúng ta thường nghe quen với các cụm từ "tầm nhìn quy hoạch" từ chục năm, đến vài chục năm. Tuy nhiên, ngay tại một nút giao vùng lõi đô thị của Thủ đô lại đang tồn tại nhiều bất cập.
Từ thực tế này, đề nghị cơ quan chức năng TP Hà Nội sớm xem xét, giải quyết các bất cập giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân cũng như các phương tiện qua lại khu vực trên./.