Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần sớm giải quyết tình trạng vi phạm về Vệ sinh thực phẩm.

Thứ Tư, 27/01/2016 20:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vấn đề An toàn Vệ sinh thực phẩm (VSTP) trong thời gian gần đây đã trở thành nỗi lo thường trực của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam. Trước thực trạng về những vi phạm trong lĩnh vực VSTP, người dân mong muốn các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh và chế tài cứng rắn để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ thực phẩm bẩn. Ảnh anninhthudo.vn

Chia sẻ về các địa chỉ bán thực phẩm sạch, chị Lê Hồng Hạnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết phải đặt hàng từ bây giờ mới đến Tết mới mua được, chứ những ngày cận Tết là họ chỉ đi giao hàng, không nhận thêm nữa. Chị Hạnh cũng cho biết, năm nay gia đình chị đón người nhà từ nước ngoài về ăn Tết, để chuẩn bị cho bữa cơm gia đình trong những ngày cuối năm, chị phải lên kế hoạch cho việc mua bán trước cả tháng. Bởi mặc dù thực phẩm tươi sống và các mặt hàng rau quả bán hàng ngày ở các khu chợ khá nhiều, nhưng khó mà phân biệt được đâu là thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn. Thời gian gần đây, việc các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các doanh nghiệp, cơ sở có hành vi kinh doanh buôn bán các loại thực phẩm thiếu an toàn khiến chị rất cẩn thận trước khi lựa chọn các loại thực phẩm cho gia đình.

Sự lo lắng của chị Hạnh và các gia đình về tình trạng an toàn VSTP trong thời gian gần đây không phải là điều khó hiểu. Theo con số thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 12/2015, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 432,576 triệu đồng. Bởi vậy tâm lý của đa số người dân hiện nay khi tiếp cận với những mặt hàng thực phẩm đang được bán trên thị trường là e ngại, không còn dám tin dùng...

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thúy Lan (quận Hoàn Kiếm; Hà Nội) cho biết, sống trong khu phố cổ, không có điều kiện chăn nuôi nhưng chị Lan lại rất an tâm với nguồn thực phẩm của gia đình, chị chia sẻ kinh nghiệm: Trước đây mỗi khi đi chợ mua thịt chị không thể phân biệt được thịt lợn được nuôi bình thường với loại thịt lợn được nuôi bằng chất cấm như báo đài phản ánh, đặc biệt là loại thịt đã bị ôi thiu, nhưng người bán hàng sử dụng các loại hóa chất để ngâm, tẩm nhằm đánh lừa khách hàng. Đáng sợ nhất là việc sử dụng những loại thực phẩm này, lượng hóa chất sẽ tích tụ trong cơ thể và hủy hoại sức khỏe lâu dài của người tiêu dùng. May mắn là thời gian gần đây, chị Lan được giới thiệu về một trang trại chăn nuôi tại Sóc Sơn tuân thủ đủ điều kiện về an toàn chăn nuôi. Từ đó cứ hai tuần một lần chị lại đặt hàng tại trang trại, gồm cả thịt lợn và rau sạch để dùng dần, tuy rằng có hơi đắt một chút nhưng yên tâm hơn.

Có thể thấy, tình trạng vi phạm về an toàn VSTP đang xảy ra ở khắp mọi nơi, ngày càng công khai và có chiều hướng tăng mạnh, đặc biệt trong dịp giáp Tết âm lịch, khi mà các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ mạnh. Gần đây nhất, ngày 25/12/2015, cơ quan chức năng TP. HCM ra quyết định xử phạt hành chính ông Cao Chí Đông (36 tuổi tại Bến Tre) số tiền 21 triệu đồng với các hành vi: Kinh doanh không phép, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Theo cơ quan chức năng, ông Đông đã có tới 8 năm liền chuyên buôn bán, vận chuyển mặt hàng nầm heo thối từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy vi phạm nhiều lần, với mức độ vi phạm tăng dần, nhưng ông Đông chỉ bị xử phạt hành chính, sự việc này đã khiến dư luận rất bức xúc. 

Trước thực trạng trên, ông Trần Đăng Minh, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận xét: Hành vi mua bán, vận chuyển thực phẩm “bẩn” (Thịt thối, bốc mùi) cùng các hành vi sử dụng hóa chất để ngâm tẩm nhằm tẩy mùi, tẩy màu các loại thực phẩm là những hành vi hết sức nguy hiểm về lâu dài cho sức khỏe của người tiêu dùng. Theo bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) quy định; Người nào thực hiện một trong các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) như sử dụng các chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ thực phẩm có sử dụng chất cấm.. thì bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 – 5 năm; nếu gây ra hậu quả chết người có thể bị phạt từ tối đa tới 20 năm. Điều này có nghĩa chỉ cần vi phạm các điều trên, đều sẽ bị xử lý hình mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng như trước.

Người dân mong muốn các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt và những chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những hành vi “đầu độc” người tiêu dùng, của một bộ phận những kẻ cố tình để lợi nhuận “ăn mòn” lương tâm trong thời gian qua. Nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm về an toàn VSTP đang diễn ra hàng ngày, nhất là dịp cuối năm khi tết đến, xuân về./.                                                                                                                                                              

Vũ Hoàng (CTV)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN