Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần sớm giải quyết tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm

Thứ Hai, 08/05/2023 12:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hiện nay, trên phạm vi cả nước, tình trạng ùn tắc vẫn đang diễn ra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Nhiều trung tâm đặt lịch hẹn đăng kiểm kéo dài đến hàng tháng, dẫn tới khó khăn, thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trước đây cả nước có 281 trung tâm đăng kiểm với 491 dây chuyền và 2.014 đăng kiểm viên, tuy nhiên hiện 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên bị khởi tố, bắt giam; 106 trung tâm phải dừng hoạt động nhưng mới đưa 66 đơn vị hoạt động trở lại với công suất tối thiểu do không đủ nhân lực.

Việc ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm có xu hướng gia tăng do số lượng xe hiện tại đến kỳ hạn nhưng chưa được kiểm định khoảng 800.000 trong khi lượng xe phải kiểm định trong 6 tháng tới là khoảng 1,7 triệu. Năng lực kiểm định của 241 trung tâm đăng kiểm (384 dây chuyền) đang hoạt động hàng tháng khoảng 550.000 xe.

Phương tiện thực hiện kiểm định tại trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29V01, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội chiều ngày 05/5/2023 (Ảnh: Công Hải) 

Để giải quyết dứt điểm tồn đọng, ùn tắc cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết số lượng xe nêu trên (chưa kể trường hợp phải kiểm định lại). Đặc biệt tại khu vực Hà Nội và TP HCM có số lượng xe nhiều nên cần nhiều thời gian hơn.

Xung quanh kiến nghị cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được kiểm định của Cục Đăng kiểm, rất nhiều bạn đọc "đồng ý".

Bạn đọc Toàn, sống tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, có số điện thoại 0978368… nêu ý kiến: "Cứ tưởng đã thực hiện ngay sau khi Thông tư 02/2023/TT-BGTVT được ban hành nhưng đến giờ vẫn chỉ là kiến nghị! Thực tế hầu hết khó khăn, thiệt hại về kinh tế đều đổ lên người dân và doanh nghiệp".

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ kinh tế, bạn đọc Tô Thúy Nga, sống tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội nêu quan điểm: “Vực dậy nền kinh tế mới là quan trọng. Nên giãn chu kỳ đăng kiểm cho những xe không kinh doanh, ưu tiên cho các xe đang kinh doanh. Xe không kinh doanh thường là xe hộ gia đình, họ có ý thức bảo dưỡng xe, chưa kiểm định trong vòng 6 tháng đến 1 năm cũng hợp lý, an toàn”.

Bạn đọc có địa chỉ email vuhoanganh@gmail.com chia sẻ: Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa đồng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiến nghị giải quyết ách tắc trong kiểm định an toàn kỹ thuật - bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, kiến nghị cho phép giãn ngay chu kỳ kiểm định đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải. Số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp, sẽ có 3,1 triệu xe thuộc diện được giãn chu kỳ kiểm định. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện từ chu kỳ tiếp theo nên thực tế nhu cầu kiểm định hiện vẫn rất lớn. Mong rằng Bộ Giao thông Vận tải sớm quyết định công bố áp dụng theo đề xuất.

Bạn đọc có địa chỉ email harivers@yahoo.com kiến nghị: "Chính phủ cần có ngay giải pháp để kịp thời giúp người dân gặp khó khăn do xe hết thời hạn đăng kiểm. Đừng để thiếu nhân viên đăng kiểm nhưng thừa người phạt xe quá hạn đăng kiểm".

Tất nhiên, cũng có ý kiến chưa đồng tình, cụ thể bạn đọc Trần Minh Mạnh, sống tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam viết: "Mục tiêu an toàn giao thông phải ưu tiên hàng đầu. Đăng kiểm quá tải thì bổ sung nhân lực, giãn thời hạn đăng kiểm có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình tham gia giao thông".

Cũng theo Cục Đăng kiểm, số lượng ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đến hạn kiểm định hàng tháng chiếm khoảng 3 -43%. Đây là nhóm xe cá nhân, về cơ bản cường độ sử dụng không nhiều luôn được chăm sóc, bảo dưỡng..., tỷ lệ đạt ngay từ lần kiểm định đầu là rất cao (khoảng 95%).

Kinh doanh trong lĩnh vực ô tô xe máy nhiều năm nay, bạn đọc Vũ Công Hải, sống tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh có ý kiến: Kiến nghị Bộ GTVT và các Sở GTVT chỉ thực hiện chức năng đăng kiểm đối với xe kinh doanh vận tải hàng hoá và kinh doanh vận tải hành khách. Đối với các phương tiện vận chuyển chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải thì giao cho các hãng xe thực hiện bảo dưỡng định kỳ phương tiện theo thời hạn quy định, kết quả bảo dưỡng này sẽ xem như chứng nhận phương tiện đủ điều kiện an toàn tham gia giao thông. Như vậy sẽ giảm quá tải công tác đăng kiểm và phòng chống tiêu cực như cách làm hiện nay.

Nhận thấy việc giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải từ 9 chỗ ngồi trở xuống ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại, là có tính khả thi, Cục Đăng kiểm cho rằng đây là giải pháp duy nhất đến thời điểm hiện nay.

Do đó, Cục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định, đồng thời, kiến nghị có văn bản đề xuất Thủ tướng cho phép ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT theo trình tự, thủ tục rút gọn./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN