Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần “siết chặt” kiểm tra doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá

Thứ Ba, 05/01/2021 20:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và các Cục Thuế địa phương trong thời gian tới tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với nhóm doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá.

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Có tới 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ

Trong báo cáo của Bộ Tài với Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp FDI đã cho thấy quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI năm 2019 tiếp tục tăng cao so với năm 2018.

Doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp FDI có báo cáo đạt 7.180.950 tỷ đồng, tăng 720.236 tỷ đồng, tương đương 11,2% so với năm 2018; Tổng tài sản đạt 7.752.323 tỷ đồng, tăng 981.003 tỷ đồng, tương đương 14,5% so với năm 2018.

Về lợi nhuận trước thuế năm 2019 của các doanh nghiệp FDI đạt 387.064 tỷ đồng, tăng 29.433 tỷ đồng, tương đương 8,2 % so với năm 2018.

Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của các doanh nghiệp FDI đạt 324.487 tỷ đồng, tăng 19.505 tỷ đồng, tương đương 6,4 % so với năm 2018.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2019 có 9.494 doanh nghiệp FDI có kết quả sản xuất kinh doanh cả năm báo lãi, chiếm tỷ lệ 45% doanh nghiệp có báo cáo, với trị giá lãi là 518.509 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp báo lãi năm 2019 tăng 18% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 báo lỗ là 12.455 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 55% doanh nghiệp có báo cáo, với trị giá lỗ là 131.445 tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019 là 2.002.328 tỷ đồng, giảm 0,7% so với tổng tài sản của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2018; Doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019 là 846.894 tỷ đồng, tăng 12,7% so với doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2018.

Đến hết năm 2019, có 14.822 doanh nghiệp có lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính (BCTC), chiếm tỷ lệ 66%  doanh nghiệp  có báo cáo, với tổng trị giá lỗ luỹ kế trên BCTC là 520.742 tỷ đồng, bằng 41% vốn đầu tư của chủ sở hữu (tăng 26% về số lượng doanh nghiệp có lỗ luỹ kế và tăng 23,1% về trị giá lỗ luỹ kế so với năm 2018).

Về nộp ngân sách nhà nước (NSNN), theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2019 số thu về các sắc thuế nội địa (không kể dầu thô) của khu vực doanh nghiệp FDI là 210.234 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2018.

Báo cáo đánh giá, tốc độ tăng trưởng doanh thu, tài sản và vốn đầu tư của chủ sở hữu năm 2019 so với năm 2018 thấp hơn so với các năm trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Doanh nghiệp FDI đóng góp ngày càng cao vào NSNN cho thấy khu vực doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng hơn vào phát triển kinh tế xã hội trong nước.

Nhiều vấn đề đặt ra…

Tuy nhiên Bộ Tài chính thẳng thắn nêu, bên cạnh những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc đầu tư nước ngoài tập trung lớn tại các tỉnh của khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng và rất hạn chế tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên cho thấy chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Chính phủ vào địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn chưa phát huy hiệu quả trong việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp FDI nhìn chung vẫn còn thấp, chưa phát huy hết tiềm lực của doanh nghiệp; các chỉ tiêu khả năng sinh lời của một số lĩnh vực vẫn còn âm, nộp ngân sách vẫn chưa tương xứng với chưa tương xứng với những ưu đãi được hưởng. Số doanh nghiệp FDI có lãi chiếm tỷ lệ ít, mới đạt 45% số doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm.

Ngoài một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngân sách tốt, tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định thì vẫn tồn tại nhiều dự án đầu tư có hiệu quả chưa cao, mức độ đóng góp ngân sách thấp.

Đặc biệt, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế còn diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Để thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả cao và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế - xã hội, đồng thời cần nghiên cứu và đề xuất phương pháp xây dựng chính sách thu hút trong thời gian tới phù hợp.

Về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, đánh giá để hoàn thiện, sửa đổi cơ chế phối hợp của các Sở, ban, ngành địa phương trong việc cấp phép và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin đồng bộ, thông suốt về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để các cơ quan trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ công tác tổng hợp; từ đó giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời.

Về phía Bộ Tài chính, tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế và các Cục Thuế các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với nhóm doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá.

Bên cạnh đó, giao Bộ Xây dựng và các Bộ quản lý ngành thực hiện công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, cần nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch đô thị; quy hoạch ngành, sản phẩm. Tổ chức lập các quy hoạch còn thiếu, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp đồng thời công khai quy hoạch để các nhà đầu tư và nhân dân nắm rõ định hướng của tỉnh. Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư trong quá trình lập các quy hoạch.

Cuối cùng, Bộ Tài chính nêu rõ cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, rà soát, thực hiện cơ cấu lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc gắn quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo với quy mô của các doanh nghiệp./.

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN