Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần rút kinh nghiệm trong dạy học môn Lịch sử và Tiếng Anh

Thứ Tư, 17/07/2019 15:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Kỳ thi THPT quốc gia 2019, không chỉ để xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh mà quan trọng hơn là giúp ngành Giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT quốc gia như Lịch sử, Tiếng Anh.

Ngày 17/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội nghị có hơn 1.000 đại biểu là Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc, Trưởng ban đào tạo các đại học, học viện; Hiệu trưởng, Trưởng phòng đào tạo của 327 trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm trên toàn quốc cùng đông đảo các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực GDĐH.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến qua 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng
và TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VA

Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT đánh giá chung tình hình công tác chấm thi, coi thi Kỳ thi THPT quốc gia; công tác tổ chức tuyển sinh của các cơ sở GDĐH, các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm.

Cùng với đó, quán triệt những nhiệm vụ cần phải thực hiện ngay nhằm giúp các trường nhận thức rõ hơn công việc cần thực hiện để triển khai công tác tuyển sinh và thực hiện Luật GDĐH.

Đây cũng là dịp Bộ GD&ĐT trực tiếp lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất của các cơ sở đào tạo trong quá trình thực hiện, qua đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện để các trường làm tốt công tác tuyển sinh và thực hiện hiệu quả Luật GDĐH.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đề cập đến kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, cả nước vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, đây là kỳ thi quan trọng, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trường đại học, toàn xã hội tổ chức kỳ thi thành công. Thủ tướng cũng đã ghi nhận, biểu dương.

Bộ trưởng cũng cảm ơn sự vào cuộc của toàn xã hội, trách nhiệm, tâm huyết của các trường đại học, các thầy cô tham gia coi thi, chấm thi, góp phần quan trọng vào thành công kỳ thi.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Kỳ thi THPT quốc gia là để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kĩ năng sau 12 năm học phổ thông. Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước, có tỉnh chỉ đạt 70%. Kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ ĐH, CĐ mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện; từ đó, yếu và thiếu ở khâu nào, địa phương nào sẽ có chính sách phù hợp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VA

Nói về phổ điểm thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trên cơ sở kết quả phân tích kỹ phổ điểm của từng môn, từng tỉnh, cuối tuần này, Bộ sẽ tổ chức hội nghị giám đốc sở GD&ĐT để bàn kỹ về phổ điểm này, lí giải nguyên nhân vì sao môn này, môn kia thấp, mổ xẻ, rút kinh nghiệm.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019, không chỉ để xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh mà quan trọng hơn là giúp ngành Giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT quốc gia như Lịch sử, Tiếng Anh.

“Không phải năm nay 2 môn Lịch Sử, Tiếng Anh mới có kết quả thấp, những năm trước cũng vậy. Năm nay khi phân tích phổ điểm nhìn chung Lịch sử và Tiếng Anh đã có sự tiến bộ nhưng kết quả như vậy vẫn chưa chấp nhận được nên cần phải phân tích kỹ, rút kinh nghiệm cho các kỳ thi sang năm” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Về phương thức thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ ổn định đến năm 2020, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo.

Về thực hiện tự chủ ĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, các trường phải chủ động, có kế hoạch, đề án lộ trình thực hiện cụ thể, theo đó có kế hoạch đầu tư, kêu gọi đầu tư. Phải dành thời gian chuẩn chỉnh chiến lược 5 năm, 10 năm. Một yếu tố cần quan tâm khi xây dựng kế hoạch, đề án là về Hội đồng trường, các trường cần dành thời gian nghiên cứu kỹ vấn đề này.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng một số tài liệu dạng sổ tay thực hiện tự chủ để hỗ trợ các trường. Ngoài ra, cũng sẽ có các khóa bồi dưỡng cho các trường về những vấn đề còn khó khăn, bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện tự chủ. Nhưng, theo Bộ trưởng, quan trọng là các trường cần cùng chia sẻ, trong 23 trường thí điểm tự chủ, có nhiều trường tốt, cần chia sẻ kinh nghiệm, rút kinh nghiệm cùng phát triển.

Bộ trưởng đề nghị các vụ, cục của Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về tự chủ đại học, làm việc với các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho tự chủ.

“Quan điểm là Bộ GD&ĐT chỉ kiến tạo, giám sát và trọng tài, còn tự xã hội sẽ đánh giá, tôn vinh chất lượng của các trường. Bộ sẵn sàng cùng các trường bảo vệ cái đúng, gỡ những chỗ vướng. Cố gắng hóa giải đảm bảo sự ổn định, đoàn kết” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, hội nghị đã đạt được các mục tiêu, tâm thế của các nhà trường đã sẵn sàng, tin tưởng rằng tới đây giáo dục đại học sẽ có bước tiến nhanh, vững chắc, nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín của từng nhà trường góp phần vào uy tín của giáo dục đại học. Giáo dục đại học cũng sẽ đi tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cao cho đất nước./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN