Cần rà soát đánh giá mức độ ô nhiễm toàn bộ ao, hồ trên địa bàn Hà Nội
(ĐCSVN) - Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chính thức công bố nguyên nhân cá chết ở các hồ gây xôn xao dư luận thời gian qua. Từ thực trạng một số hồ bị “bức tử” rồi mới lo phương án "cứu" chẳng khác nào việc chạy theo để giải quyết vấn đề ở thế “đã rồi"...
Hiện tượng cá chết Hồ Tây đang là hồi chuông báo động về vấn đề ô nhiễm môi trường
tại các ao, hồ ở Hà Nội . (Ảnh: tuoitre.vn)
Cụ thể, theo văn bản trả lời các câu hỏi của cử tri trước kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường hồ và công bố nguyên nhân cá chết thời gian qua, UBND thành phố cho rằng, có 4 nguyên nhân khiến cá ở Hồ Tây, Linh Đàm, Văn Quán… chết hàng loạt, gồm: Tình trạng nước thải chảy vào các hồ gây ra ô nhiễm nguồn nước; thời tiết thay đổi dẫn tới thiếu oxy trong nước; ý thức người dân kém, vẫn xả thẳng rác thải xuống hồ và môi trường bị ảnh hưởng do việc người dân nuôi, thả cá kinh doanh.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm nước mặt ao, hồ, sông trên địa bàn Hà Nội là khá nghiêm trọng (hơn 110 ao, hồ, đa số đều ô nhiễm). Đặc biệt, một số hồ có lưu lượng nước thải chảy vào vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ, đã bị ô nhiễm hữu cơ, dầu mỡ, kim loại nặng, vi sinh...
Còn theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Hà Nội hiện có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Có thể kể đến như: Hồ Tây, Hồ Linh Đàm, hồ Thiền Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu, Ao Phủ…
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đối với các hồ đã cải tạo kè đá, có nhiều hồ được nạo vét lấy bùn, xây dựng đường dạo tạo cảnh quan khu vực xung quanh hồ,.... Tuy nhiên, do các hồ này là hồ điều hòa nên ngay cả khi đã được tách nước thải hoàn toàn thì vẫn tiếp nhận hỗn hợp nước mưa lẫn nước thải chảy vào hồ như: Hồ Tây, Trúc Bạch, Linh Đàm, Nghĩa Tân, Kim Liên... nên các hồ đã cải tạo hiện vẫn đang bị ô nhiễm, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ.
Đối với các hồ chưa được cải tạo, môi trường nước hồ hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng do ý thức của một số bộ phận dân cư và do tốc độ đô thị hóa cao nên tại các hồ chưa được kè nằm trong khu vực dân cư, hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ thường xuyên diễn ra như: Hồ Linh Quang, Tứ Liên, Đại Kim, Phùng Khoang... làm thu hẹp diện tích sử dụng của hồ cũng như giảm khả năng điều hoà thoát nước và gây mất mỹ quan đô thị. Một số hồ để nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp vào hồ gây ô nhiễm.
Trong văn bản công bố nguyên nhân cá chết ở các hồ, UBND TP Hà Nội cũng nhận định rằng, đa số các hồ đều bị ô nhiễm bởi nước thải, trầm tích, bùn đáy.
Có thể thấy, chúng ta đang ở thế bị động trước các biến cố môi trường ao, hồ xảy ra những năm qua, như hiện tượng xảy ra tại: Hồ Tây, hồ Linh Đàm, hồ Văn Quán... với hàng tấn cá chết bất ngờ chỉ trong một đêm, nhanh tới mức cơ quan chuyên môn cũng... "bị động" trong công tác ứng cứu, bởi thực tế chưa có một dự báo nào trước về hiện tượng môi trường trên. Chỉ khi xác cá chết nổi trắng, chúng ta mới nhận ra mức độ ô nhiễm ở các hồ trên đang nghiêm trọng thế nào.
Một yếu tố khác liên quan, đó là nhiều ao, hồ ở Hà Nội hiện nay đang bị thu hẹp diện tích và công năng điều hòa, thoát nước đều đổ lên “vai” các hồ còn lại. Sự ô nhiễm xảy ra hoàn toàn là một tất yếu!
Sự sụt giảm đáng kể về diện tích mặt hồ, ao do nguyên nhân chính là sự yếu kém, buông lỏng quản lý của chính quyền cấp cơ sở dẫn đến việc san lấp, lấn chiếm còn xảy ra bừa bãi. Tình trạng này diễn ra liên tục nhiều năm đã khiến không ít "lá phổi xanh" ở các địa bàn trung tâm cho đến vùng ven đô đã bị thay thế bởi đất cát, rác thải và các chung cư, nhà cửa... Khi diện tích nước mặt bị thu hẹp, thì mức độ ô nhiễm trong các ao, hồ cũng tỉ lệ thuận theo.
Những năm qua, Hà Nội đã đầu tư không nhỏ cho công tác cải tạo, xử lý kỹ thuật các ao, hồ trên địa bàn, tăng số lượng ao, hồ… Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ao, hồ có dấu hiệu ô nhiễm và ô nhiễm rất nặng. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trước hết là ý thức của mỗi người dân chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường. Một ví dụ điển hình như Hồ Tây, một trong hồ lớn nhất Thủ đô tưởng chừng có thể điều hòa được hết lượng nước thải mà việc sinh hoạt, sản xuất của con người thải ra xung quanh, nhưng nó cũng phải nhận kết cục không thể bi thảm hơn.... Một khi Hồ Tây cũng bốc mùi thì sự ô nhiễm môi trường đã rất và rất cần phải được xem xét, cảnh báo, đồng thời có giải pháp hữu hiệu. Chuyện cá hồ Tây chết phải được coi là "giới hạn cuối cùng" trong "ứng xử" với ao, hồ Hà Nội hiện nay.
Giải pháp của UBND TP. Hà Nội trong văn bản trả lời cử tri mới đây nêu rõ: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm các hồ, trong năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Công ty thoát nước xử lý ô nhiễm ở 58 hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C theo công nghệ của Đức; tăng cường kiểm tra xử lý xả thải với các đơn vị kinh doanh quanh hồ; đẩy nhanh dự án cải tạo hồ; lắp đặt trạm quan sát tự động, kiểm soát chất lượng nước tại một số hồ…
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống. Các cơ quan chức năng cùng các nhà chuyên môn cần nghiên cứu tìm giải pháp tổng thể hơn thay vì chỉ xử lý vấn đề ở phần "ngọn" như hiện nay. Cụ thể, cần triển khai rà soát để đánh giá mức độ ô nhiễm toàn bộ hiện trạng ao, hồ trên địa bàn Hà Nội hiện nay để có giải pháp hữu hiệu, cứu đồng loạt ao, hồ (đặc biệt là các hồ diện tích lớn) có tầm ảnh hưởng đến sự điều hòa môi trường sống trên địa bàn Thủ đô thay vì cứ để xảy ra cá chết rồi mới lo đến việc quan trắc, xử lý./.