Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cân nhắc thêm quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm một lần

Thứ Hai, 27/05/2024 12:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Quan tâm đến hai phương án đưa ra trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về điều kiện hưởng bảo hiểm một lần, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc tích hợp áp dụng hai phương án đã nêu.

Sáng 27/5, bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đã chia sẻ với phóng viên về nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phóng viên (PV): Việc rút bảo hiểm một lần là vấn đề khó, liên quan trực tiếp đến quyền lợi lao động. Theo đại biểu chúng ta phải tính toán ra sao để có phương án cụ thể, tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi quan tâm đến hai phương án trong dự thảo Luật về điều kiện hưởng bảo hiểm một lần và đề nghị Chính phủ cân nhắc tích hợp áp dụng hai phương án đã nêu.

Theo tôi cả hai phương án này vẫn chưa phải là tối ưu, vì trong điều kiện của nước ta hiện nay, nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải, vượt qua những khó khăn trước mắt. Vì vậy, không thể hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1 vì chắc chắn sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó.

Còn nếu chỉ áp dụng phương án 2, nhiều người đang tham gia bảo hiểm cũng sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng và cũng có tâm lý so sánh và ồ ạt rút bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực. Đây là nội dung lớn, rất cần có lộ trình, để người dân làm quen, tiếp cận và có thời gia tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương). Ảnh: BL  

PV: Vậy đại biểu có thể chia sẻ thêm về việc tích hợp cả hai phương án?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng nên kết hợp hai phương án. Thứ nhất, đối với những người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội rồi mà không có nhu cầu tham gia nữa, muốn rút, trước khi luật này có hiệu lực thì rút vẫn bình thường theo luật cũ nhưng khi luật này có hiệu lực thì chúng ta khống chế là người lao động được rút không quá 50% số thời gian đã đóng.

Tuy nhiên, dự thảo quy định được rút ra không quá 50% số thời gian đóng bảo hiểm, nhưng số % thời gian đóng lại khác nhau cơ bản về tiền. Khi mới tham gia bảo hiểm thì đóng ít, nhưng 10 năm sau, lương cao hơn thì đóng bảo hiểm nhiều hơn, Luật quy định 50% số thời gian thì cần quy định rất rõ.

Tôi đề xuất quy định 50% số thời gian quy định đó là giai đoạn đầu, khi người lao động mới tham gia đóng bảo hiểm xã hội, khoản tiền đóng chưa nhiều, để người lao động có thể rút khoản tiền đó. Còn 50% của giai đoạn sau cao hơn thì sẽ được bảo lưu.

Việc bảo lưu này sẽ giúp cho người lao động vẫn được tham gia hệ thống an sinh, vì khi rút bảo hiểm 1 lần, người lao động mới chỉ nghĩ đến cái trước mắt, nhưng còn giai đoạn về sau, nếu không có trong hệ thống an sinh thì họ sẽ mất rất nhiều quyền lợi của mình”.

PV: Liên quan việc dự thảo luật quy định về thời gian nghỉ việc để khám thai tối đa 5 lần đối với lao động nữ, đại biểu có thể chia sẻ ý kiến về nội dung này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Về thời gian nghỉ việc để khám thai tại Điều 53, dự thảo quy định tối đa 5 lần đối với lao động nữ, tôi thấy trong quá trình tiếp xúc, cử tri, nhất là cử tri là công nhân lao động, đều đề nghị tăng số lần nghỉ khám thai. Việc quy định này cần căn cứ vào những yêu cầu về chăm sóc và thăm khám sức khỏe thai kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hiện nay, theo khuyến cáo thông thường, trong thai kỳ, người phụ nữ cần đi khám thai ít nhất là 8 lần vào mốc thời gian nhất định.

Vì vậy, với nội dung này cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia quy định về số lần được nghỉ khám thai của lao động nữ và cần phải đảm bảo ít nhất số lần tối thiểu phải khám thai theo khuyến cáo của y tế. Điều này vừa mang tính nhân văn và vừa đáp ứng được đông đảo nguyện vọng của cử tri.

PV: Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 01/7/2024, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội. Vậy theo đại biểu liệu thực hiện quy định này có khả thi không?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Về mức tham chiếu nếu bỏ mức lương cơ sở để cải cách tiền lương, Chính phủ cần xác định mức tham chiếu dựa vào chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để tham chiếu mức đóng bảo hiểm của người lao động.

Tuy nhiên, theo tôi cũng cần quy định chi tiết trong luật là Chính phủ đưa ra mức tham chiếu đó bao nhiêu lâu một lần theo định kỳ bởi chỉ số giá tiêu dùng sẽ thay đổi, chỉ tiêu kinh tế, sự phát triển kinh tế, tăng trưởng hàng năm không giống nhau.

Bởi hiện chúng ta thực hiện cách tính lương truyền thống là tính mức lương cơ sở, thông thường 3 năm tăng lương 1 lần, tức là số tiền đóng bảo hiểm xã hội 3 năm sẽ có thay đổi, vì tiền bảo hiểm được tính theo % tiền lương. Người lao động đóng 7% thì sau 3 năm lương tăng lên thì số tiền đóng bảo hiểm cũng tăng lên.

 PV: Xin cảm ơn đại biểu!

Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, tại kỳ họp thứ 6 Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:

Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93/2015/QH13).

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. 

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN