Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần nghiêm túc thực hiện quy trình xét xử

Thứ Năm, 02/06/2016 17:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Song thực tế, việc thực hiện quy trình xét xử của TAND tỉnh Sơn La còn có những biểu hiện đơn giản, tùy tiện, không chấp hành đúng theo quy định của pháp luật.

Thẩm phán – Chủ tọa Tòng Thị Hiền thông báo việc hoãn xét xử trong khi “vắng bóng” những
thành viên còn lại trong Hội đồng xét xử. 
Ảnh: QĐ.

Thư ký tòa thay mặt Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa?

Sau một lần hoãn và một lần thay đổi ngày xét xử, ngày 30/5/2016, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa bà Trần Thị Lưu và bà Trần Thị Nhàn ở Nà Hạ, Chiềng Mung, Mai Sơn (Sơn La) lại tiếp tục bị hoãn xử lần thứ 2. Điều đáng nói là quy trình làm việc và cách thức thông báo hoãn xét xử “chẳng giống ai” của TAND tỉnh Sơn La đã gây nên không ít bức xúc trong dư luận.

Theo giấy hẹn của TAND tỉnh Sơn La, thời gian xét xử là 08h00’. Tuy nhiên, khi nguyên đơn và bị đơn đã có mặt đầy đủ, đến 08h50’, bà Quàng Hồng Nết - cán bộ TAND tỉnh Sơn La, người đảm nhiệm nhiệm vụ Thư ký tòa án ghi biên bản phiên tòa mới xuất hiện và thông báo “Hoãn xét xử do vắng đại diện của UBND huyện Mai Sơn”. Điều đáng nói là đến thời điểm bà Quàng Hồng Nết thông báo (tức là chậm gần 1 tiếng so với thời gian làm việc), toàn bộ thành viên Hội đồng xét xử chưa có một ai xuất hiện tại phòng xét xử. Vì vậy, mọi người có mặt đã có những phản ứng biểu hiện thái độ bức xúc trước cách làm việc tùy tiện, thiếu tôn trọng người dân của TAND tỉnh Sơn La. Trước diễn biến đó, khoảng hơn 20 phút sau, bà Tòng Thị Hiền, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa mới bước vào phòng xét xử và công bố quyết định hoãn xét xử.

Cách làm của TAND tỉnh Sơn La đã cho thấy phương pháp làm việc vô nguyên tắc; không thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình mở xét xử. Theo Khoản 3, Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Rõ ràng ở đây, toàn bộ những quy định trên đã không được TAND tỉnh Sơn La tuân thủ đầy đủ. Những người có mặt tại phòng xét xử có quyền đặt ra câu hỏi: “Phải chăng ở TAND tỉnh Sơn La, Thư ký Tòa án có quyền thay mặt Hội đồng xét xử quyết định hoãn xét xử và thông báo việc hoãn xét xử”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải là lần đầu tiên việc làm này diễn ra ở TAND tỉnh Sơn La. Trước đó, ngày 28/4, cũng tại vụ án này, phiên tòa xét xử phúc thẩm đã bị hoãn lại cũng với cách thức tương tự: Thư ký Tòa án Quàng Hồng Nết thông báo hoãn xét xử trong khi toàn bộ thành viên Hội đồng xét xử không hề xuất hiện ở phòng xét xử.

Mặt khác, TAND tỉnh Sơn La còn vi phạm về quy định xét xử khi kéo dài thời gian hoãn xét xử vụ án mà không rõ lý do. Theo đó, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa bà Trần Thị Lưu và bà Trần Thị Nhàn (ngày 28/4/2016) bị hoãn với lý do vắng mặt bị đơn Trần Thị Nhàn. TAND tỉnh Sơn La có Quyết định hoãn phiên tòa dân sự phúc thẩm và ấn định mở lại phiên xét xử vào 08h00’ ngày 25/5/2016. Sau đó, do lịch công việc của TAND tỉnh Sơn La nên Tòa án đã có thông báo thay đổi ngày xét xử sang 8h00’ ngày 30/5. Tuy nhiên đến ngày 30/5, phiên xét xử lại tiếp tục bị hoãn với lý do vắng đại diện của UBND huyện Mai Sơn. Điều này trái với quy định của pháp luật là tòa án phải mở lại phiên xét xử trong thời gian 1 tháng, tính từ ngày hoãn xét xử. Trong bối cảnh tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa bà Trần Thị Lưu và bà Trần Thị Nhàn là một vụ án có nhiều tình tiết phức tạp (nguyên đơn và bị đơn là 2 chị em ruột), liên quan đến Ngân hàng BIDV chi nhánh Sơn La…, cách làm việc tùy tiện của TAND tỉnh Sơn La vì vậy đã gây nhiều bức xúc cho các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Cần làm rõ lý do thực chất của quyết định hoãn xét xử

Bức xúc trước cách làm việc vô nguyên tắc của TAND tỉnh Sơn La, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn đã tìm gặp ông Lò Văn Điệt - Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh Sơn La để tìm hiểu kỹ hơn về sự việc. Theo ông Lò Văn Điệt, nguyên nhân TAND tỉnh Sơn La quyết định hoãn xử vụ án dân sự về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa bà Trần Thị Lưu và bà Trần Thị Nhàn là do sự vắng mặt của các Thẩm phán Đoàn Thị Hoài và Đinh Huy Hiệp. Cụ thể, Thẩm phán Đoàn Thị Hoài “đi công tác đột xuất” còn Thẩm phán Đinh Huy Hiệp “bị ốm phải đi viện”. Cũng theo ông Lò Văn Điệt, dù đại diện UBND huyện Mai Sơn vắng mặt thì “sẽ vẫn mở phiên tòa bình thường”.

Như vậy, cùng một sự việc hoãn phiên xét xử nhưng Thư ký Tòa án và Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh Sơn La lại đưa ra những nguyên nhân khác nhau. Dư luận thắc mắc, giữa hai lý do đó, đâu là lý do thực chất của quyết định hoãn xét xử? Và nếu, lý do Chánh tòa Dân sự đưa ra là chính xác thì vì sao Thư ký Tòa án Quàng Hồng Nết lại không thông báo rõ ràng với các bên liên quan?

Cùng với đó, TAND tỉnh Sơn La hoàn toàn có thể chủ động thông báo sớm việc vắng mặt của 2 Thẩm phán trong Hội đồng xét xử cũng như quyết định hoãn phiên xét xử để tránh những phiền phức, chi phí tốn kém cho các bên liên quan.

Theo chia sẻ của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng VP Luật sư Đồng đội (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Sau một đêm vất vả vượt hơn 300 km từ Hà Nội lên Sơn La để có mặt tham dự phiên xét xử đúng thời gian quy định, cách làm việc của TAND tỉnh Sơn La đã làm cho luật sư và mọi người thực sự thất vọng. Phải chăng TAND tỉnh Sơn La đã thiếu tôn trọng người dân, xem nhẹ những quy định của pháp luật? Cũng theo Luật sư Trần Xuân Tiền, việc làm của TAND tỉnh Sơn La không chỉ vi phạm Khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự mà còn gây bức xúc cho các bên có liên quan; đồng thời dễ tạo ra những băn khoăn, thắc mắc không đáng có về việc vụ án liên tục bị hoãn xét xử.

Thiết nghĩ, trong khi cả nước nói chung và ngành Tòa án nói riêng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, cách làm việc cùng những vi phạm của TAND tỉnh Sơn La trong thực hiện quy trình xét xử cần được chấn chỉnh kịp thời, nghiêm túc. Có như vậy, người dân mới thực sự đặt trọn niềm tin vào hoạt động của ngành Tòa án./.

Tạ Quang Đạo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN