Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

Thứ Năm, 14/01/2016 21:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhằm để giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ trên địa bàn TP Hà Nội, trong những năm qua hàng loạt cầu vượt bộ hành đã được xây dựng và đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố. Tuy vậy vẫn còn nhiều người dân thiếu ý thức không đi qua cầu vượt mà chọn cách băng qua làn xe cộ đông đúc, gây nguy hiểm cho ban rthaan và các phương tiện giao thông...

Ngay trước cổng trường Đại học Quốc Gia, rất nhiều bạn trẻ vô tư đi bộ sang đường mà không sử dụng cầu vượt. Ảnh VH

Được khởi công vào tháng 4/2007, cầu vượt đi bộ trước cổng Bệnh viện Bạch Mai là cầu vượt bộ hành đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội. Sau một thời gian, sự có mặt của những cây cầu đi bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần giảm tải khá nhiều các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ. Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy nghĩ hiện nay là nhiều cây cầu vượt đi bộ tại Hà Nội có rất ít người qua lại. Điều này không những gây ra sự mất an toàn giao thông nói chung, mà còn là một sự lãng phí vô cùng lớn trong việc đầu tư xây dựng những cây cầu này.

Có mặt tại cây cầu vượt bộ hành trước cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội, mặt đường tại đây đang được rào chắn để thi công dự án, lòng đường khá hẹp, khuất tầm nhìn và có lượng xe cộ lưu thông khá lớn. Mặc dù cây cầu này chỉ cách cổng trường chưa đến 10m, nhưng có rất ít người sử dụng cầu vượt để đi qua đường. Theo quan sát của chúng tôi, cứ 10 người đi qua đường, thì có đến 7 trường hợp không sử dụng cầu vượt đi bộ, các trường hợp vi phạm phần nhiều là các bạn học sinh, sinh viên.

Anh Hải Đăng – một người lái xe ôm tại đây – cho biết: Cầu vượt ở đây có rất ít người sử dụng, hầu như chỉ có khách vãng lai và một số người nước ngoài sinh sống làm việc tại tòa nhà cao tầng cạnh đây sử dụng. Học sinh, sinh viên qua đây thì thường ít lên cầu, có lẽ bởi đi qua đường sẽ nhanh hơn là đi trên cầu. Anh Đăng cho rằng, do lượng phương tiện lưu thông qua đây rất lớn, các loại xe đều phải đi chậm nên tại đây chưa xảy ra tại nạn nào đáng tiếc. Tuy vậy việc người dân đi lại qua đường cũng đã gây ra cản trở cho việc lưu thông tại đây.

Chức năng chính của cầu vượt bộ hành là để giúp người đi bộ có thể di chuyển qua đường một cách an toàn, đồng thời đảm bảo cho dòng giao thông hai chiều dưới lòng đường không bị cản trở. Cầu bộ hành thường được đặt ở những khu vực có đông người đi bộ, đồng thời có đường lớn dành cho nhiều phương tiện giao thông cơ giới chạy qua. Được xây dựng với những mục đích, chức năng rất cần thiết cho việc lưu thông bộ hành, tuy vậy, thực tế cho thấy người dân Hà Nội vẫn chưa có thói quen qua đường bằng cầu vượt bộ hành.


Khi được hỏi, một số bạn sinh viên cho rằng đi lên cầu vượt sẽ “tốn” thời gian hơn. Ảnh VH

Cầu vượt bộ hành khu vực Chùa Bộc, được xây dựng với mục đích dành cho sinh viên Học viện Ngân hàng, học sinh và người dân quanh khu vực này qua lại. Theo quan sát của chúng tôi tại đây, mặc dù dọc tuyến đường này sử dụng phân luồng giao thông bằng dải phân cách cứng, có chiều cao khoảng 1,2 m so với mặt đường, tuy nhiên cách vị trí cầu vượt khoảng 15m, tồn tại một điểm mở của rào chắn. Có khá nhiều người qua đường bất chấp dòng xe đông đúc để băng qua đường tại vị trí này mà không sử dụng cầu vượt bộ hành.

Chị Mai Thúy Hà, một người bán hàng gần khu vực cầu vượt này cho biết: Nhiều người qua lại tại đây mà không sử dụng cầu vượt bộ hành, chủ yếu là các bạn trẻ, hoặc những người đi bộ mua hàng dọc con phố. Theo chị Hà, vị trí cầu vượt xây dựng tại đây là điều không thiết thực, mặc dù lượng người qua lại tại đây rất đông, nhưng cầu vượt nằm rất gần với điểm qua đường có hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Vậy nên để cho “tiện” và “nhanh” nhiều người dân đã không sử dụng tới cầu vượt để qua đường.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, ngoài thói quen thích băng ngang qua đường cho nhanh, ngại lên cầu vượt vì xa hơn, mệt hơn, còn do việc vị trí xây dựng một số cầu chưa hợp lý nên không được nhiều người sử dụng. Một lý do khác có thể khiến cầu vượt dành cho người đi bộ không phát huy hiệu quả chính là việc thiếu những giải pháp khống chế giao thông đi kèm, như: đặt dải phân cách trên đường để người dân không tùy tiện băng ngang hoặc lắp đặt những rào chắn buộc phải sử dụng cầu vượt.

Về cơ bản, mục tiêu của dự án xây dựng cầu bộ hành nhằm góp phần loại bỏ giao cắt giữa người đi bộ và các phương tiện lưu thông trên tuyến đường, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc và tai nạn cho người đi bộ. Tuy nhiên, cũng cần xem xét, nghiên cứu kỹ về vị trí lắp đặt, thói quen, mục đích của người qua đường, sao cho cầu vượt bộ hành có thể phát huy hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, trong vấn đề này, ý thức tham gia giao thông của người đi bộ là điều cần quan tâm đầu tiên, thông qua hình thức tuyên truyền để cho người sử dụng hình thành thói quen, ý thức tham gia giao thông bộ hành. Chính điều này sẽ là tác nhân góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, không chỉ với người đi bộ mà còn với các loại hình tham gia giao thông khác./.

Bài, ảnh: VH

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN