Cần nâng cao vai trò của gia đình trong giáo dục học sinh
(ĐCSVN) - Lý luận giáo dục và thực tế đã chỉ rõ, để hoàn thiện nhân cách và trí tuệ của một học sinh thì những yếu tố không thể thiếu được đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Trong những năm gần đây, việc quan tâm chăm lo đến việc học tập đối với con em của gia đình phụ huynh được đẩy mạnh hơn. Các gia đình đã rất tận tình, chu đáo và quan tâm đến cái ăn cái mặc rồi sách vở cũng như thời gian học tập của con em mình khi đến trường. Chính điều này đã mang lại hiệu quả tốt trong việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường để giáo dục và rèn luyện học sinh.
Thế nhưng, cùng với sự quan tâm đúng mức của phần lớn gia đình thì hiện nay, đã và đang xuất hiện nhiều trường hợp phụ huynh quan tâm đến con em theo kiểu phó mặc hoàn toàn cho nhà trường, miễn sao con em mình ngày nào cũng đến trường và lúc nào cũng ở trường.
Thực tế cho thấy, nhiều gia đình bị cuốn hút bởi công việc làm ăn buôn bán nên không có điều kiện chăm sóc con cái do vậy đành nghĩ tới một giải pháp là tiền đóng gạo góp rồi “trăm sự” nhờ thầy cô và nhà trường cả. Miễn sao, hàng ngày, các cháu được ở trường để học tập. Vì nếu về nhà thì phụ huynh sợ không quản được nên các cháu trở nên lông bông, la cà quán xá…
Chính vì không có điều kiện để bảo ban con em nên ngày càng nảy sinh nhiều tư tưởng của phụ huynh là phải bắt các cháu học nhiều, học thêm giờ, thêm buổi, thậm chí học cả chủ nhật và những ngày lễ. Nếu không học thì sẽ bị tụt hậu so với các bạn và con mình sẽ không đỗ nổi đại học. Có trường hợp học sinh học ca sáng 5 tiết, ca chiều 4 tiết rồi ở lại học luôn ca tối đến 21h. Thử hỏi như vậy, các em lấy đâu ra thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi và sinh hoạt cá nhân.
Từ tư tưởng phó mặc con em cho nhà trường của một bộ phận gia đình nên đã phần nào làm con em trở nên hư hỏng. Nắm được “thóp” cha mẹ tin tưởng tuyệt đối, lại đầu tư hết mức, không chút nghi ngờ nên một số học sinh hàng ngày cứ cắp cặp đến trường học theo đúng thời gian nhưng kỳ thực lại không hề đến trường và vào lớp học theo kế hoạch của nhà trường.
Cũng còn có các cháu tự xây dựng cho mình nào là đi sinh nhật bạn, đi đánh bi a, điện tử, đi tắm sông…Nhiều trường hợp la cà ở các nhà trọ của bạn rồi nằm ngủ. Trong khi đó, nhà trường và phụ huynh cũng không hề biết các em đang làm gì. Phụ huynh cứ tin tưởng rằng con em mình ngày nào cũng đến trường và chắc chắn là học sinh ngoan. Còn nhà trường thì không biết học sinh nghỉ vì lý do gì. Khi báo về gia đình thì cả hai bên mới biết được các cháu không hề đến trường mà bỏ đi chơi với nhiều hoạt động vô bổ.
Hiện nay, tình trạng phụ huynh học sinh đi làm ăn xa hay xuất khẩu lao động ở nước ngoài nên gửi con lại cho ông bà hay cô dì chăm sóc. Song, điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến việc giáo dục đạo đức của các cháu bởi khi thoát khỏi vòng tay cha mẹ thì trẻ khó lòng có thể hoàn thiện mình một cách hoàn hảo nhất. Đã có nhiều trường hợp học sinh bỏ học, yêu đương rồi chơi bời và để lại hậu quả xấu đối với bản thân và gia đình.
Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng quan trọng trong sự cất cánh và hoàn thiện nhân cách của mỗi đứa trẻ. Thiết nghĩ, mỗi phụ huynh cần cân nhắc lại cách quản lý và giáo dục con em mình tại gia đình. Mỗi gia đình cần nắm được quan điểm trong giáo dục học sinh, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Trong đó, gia đình là điểm xuất phát trong việc giáo dục nhân cách của học sinh.
Phụ huynh cần nắm được lịch học tập của con em ở trường để có kế hoạch theo dõi thời gian học của con đồng thời, thường xuyên liên hệ với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm lớp để nắm được tình hình con em mình. Nên có kế hoạch cho các cháu nghỉ ngơi, giải trí sau mỗi giờ học. Tổ chức cho các cháu được ăn uống, sinh hoạt cùng gia đình, được tham gia làm các công việc trong gia đình để giúp các cháu có thêm lòng yêu lao động và thấy được giá trị của cuộc sống.
Nhân cách và trí tuệ của mỗi học sinh không phải phụ thuộc 100% ở nhà trường mà cần có bàn tay ấm áp của mỗi gia đình và xã hội. Do vậy, điều nên rút kinh nghiệm đối với các bậc phụ huynh là chúng ta không nên phó mặc con em mình cho nhà trường.
Các bậc phụ huynh dù ở địa vị nào, dù công tác xã hội bận đến mấy cũng nên dành khoảng thời gian nhất định để quan tâm, giáo dục và chăm sóc cho con em mình. Khi ấy, phụ huynh sẽ có điều kiện để nắm bắt được tâm lý của con và có dịp uốn nắn những sai lệch mà con mình mắc phải.
Cần thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình nhưng cũng không nên quá phụ thuộc vào nhà trường để dẫn đến phó mặc con em cho nhà trường. Điều đó đồng nghĩa với việc phụ huynh sẽ tự làm mất đi vai trò giáo dục từ phía gia đình trong tâm hồn con trẻ./.