Cần loại bỏ những “cái bẫy” trên đường phố Hà Nội
(ĐCSVN) - Hố ga, cống hỏng nắp đậy, công trình thi công không được rào chắn rất có thể là nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông. Tuy nhiên, những “cái bẫy” này vẫn thường xuyên xuất hiện trên đường phố Hà Nội, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội, ai cũng có thể bắt gặp những nắp cống vênh váo, trồi thụt nằm ngay trên mặt đường. Một số nơi nắp cống trồi lên mặt đường tới hơn 10cm, có nơi lại thụt sâu xuống so với mặt đường, cá biệt có một vài nơi nắp cống không còn nguyên vẹn, vỡ vụn và để lại những khoảng trống. Với người tham gia giao thông, việc tránh né những chướng ngại vật này không phải là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, khi mặt đường thường xuyên xuất hiện những vũng nước lớn, tầm nhìn của người đi đường bị hạn chế hoặc những lúc trời nhập nhoạng chuyển từ sáng sang tối thì những chướng ngại vật nằm ngay trên mặt đường này lại trở thành những “cái bẫy” vô cùng nguy hiểm với người đi đường.
Từng là nạn nhân từ một chiếc nắp cống bị vỡ trên đường, anh Lê Bảo Nguyên (Hà Nội) bức xúc cho biết: “Lúc đó trời mưa khá to, vì vội đi đón con nên tôi đã không phát hiện ra chiếc nắp cống nằm kênh lên mặt đường. Khi đến gần thì tôi không thể tránh được nữa, bánh trước của xe máy mắc vào phần kênh lên của nắp cống làm tôi ngã xoài xuống đường, rất may lúc đó tôi chưa đèo con nhỏ. Không hiểu tại sao những chiếc nắp cống bị hư hỏng như vậy mà không được rào chắn, sửa chữa kịp thời để không gây nguy hiểm cho người đi đường!?.”
(Ảnh chụp 9h sáng ngày 14/5/2017).
Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng những “cái bẫy” như phản ánh của người dân vẫn tồn tại khá nhiều trên đường phố Hà Nội, chúng xuất hiện ở nhiều nơi, với nhiều lý do khác nhau. Ví dụ như: một chiếc xe có trọng tải lớn đi qua cũng có thể làm hư hỏng một chiếc nắp cống, từ đó tạo thành miệng hố, dễ làm sụt hay mắc kẹt bánh xe của người đi đường. Hoặc như một số nắp cống chưa thi công đến giai đoạn cuối nên chưa bằng phẳng với mặt đường cũng tạo thành những gờ cao rất dễ làm trượt bánh xe khi người điều khiển phương tiện. Đáng lẽ ra cơ quan quản lý cần sớm phát hiện những “cái bẫy” nằm trên đường này và có biện pháp rào chắn, cắm biển cảnh báo cho phương tiện qua lại, tuy nhiên việc này thường ít khi được thực hiện kịp thời.
Theo khảo sát của phóng viên trong buổi sáng ngày 14/5/2017, khu vực ngã ba giao cắt tại phố Điện Biên Phủ và Nguyễn Tri Phương tồn tại một nắp cống (bằng thép) đã bị sụt mất một phần nắp đậy. Bác Đồng, một người làm nghề sửa xe gần đó cho biết, chiếc nắp cống này bị vỡ từ hai ngày trước, một số người qua lại không chú ý đã bị ngã do đi vào phần hở của miệng cống, rất may người gặp nạn chỉ bị xây xước chân tay. Thấy nắp cống này quá nguy hiểm nên bác Đồng đã mang 1 chiếc ghế ghỗ và nắp thùng xốp ra che tạm lên để người đi đường chú ý. “Nếu chưa thể sửa chữa kịp thời thì cơ quan chức năng cần rào chắn lại, hoặc cắm biển cảnh báo để người dân đi lại biết đường mà tránh, chứ cứ để như vậy nguy hiểm quá!” - Bác Đồng nói.
có biển cảnh báo nguy hiểm hay rào chắn (Ảnh chụp hồi 13h30p, ngày 14/5/2017).
Một trường hợp khác, khu vực ngã tư phố Lê Duẩn giao cắt với phố Khâm Thiên, vào khoảng 13h30 phút cùng ngày, tại phần góc đường rẽ từ Lê Duẩn đi Khâm Thiên xuất hiện một nắp hầm kỹ thuật dành cho cáp viễn thông được mở lên để công nhân thi công, tạo thành một miệng hố rộng, rất dễ gây ra tai nạn cho người qua lại. Mặc dù các loại phương tiện qua lại khu vực này rất đông, lại là đoạn rẽ nên khuất tầm nhìn, nhưng miệng hố này lại không hề được công nhân thi công rào chắn hoặc cắm biển cảnh báo cho phương tiện qua lại.
Đứng lại đây gần 30 phút nhưng phóng viên không hề thấy sự có mặt của công nhân thi công hoặc nhân viên hướng dẫn phương tiện qua lại. Bà Lê Thị Chiến, bán nước chè gần đó cho biết: “Tôi thấy mấy anh công nhân đến đây mở nắp cống ra, kéo dây, kéo dợ một lúc, sau đó cũng bỏ đi hết, chẳng đậy lại, cũng chẳng biết có làm tiếp không. Mấy anh đi xe máy qua đây vì tránh cái nắp hố phải phanh gấp nên húc cả vào đuôi xe của nhau…”.
Trên thực tế, những hố ga, nắp cống bị hỏng hóc hoặc ngay cả những hầm hố trên mặt đường, do vô tình bởi các phương tiện qua lại hay do sự bất cẩn trong việc thi công, sửa chữa của một số đơn vị đang thực hiện nhưng không có rào chắn, biển báo để người đi đường chú ý phòng ngừa đều có thể dẫn tới những tai nạn đáng tiếc. Đặc biệt là khi mùa mưa sắp đến gần, đây cũng là lúc những “cái bẫy” nằm trên đường phố bị che khuất bởi nước mưa và khó phát hiện hơn với người đi đường khi đi trong mưa gió.
Thiết nghĩ, để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra đối với người dân, cơ quan quản lý đô thi trên địa bàn thành phố phải thường xuyên kiểm tra, nhằm sớm phát hiện những điểm hỏng hóc, trồi sụt trên mặt đường và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra nạn với người và phương tiện tham gia giao thông./.