Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần làm gì để triển khai hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam?

Thứ Ba, 25/06/2024 10:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mô hình hợp đồng xã hội sử dụng ngân sách địa phương được đánh giá có tính khả thi với điều kiện đảm bảo đầy đủ khung pháp lý và hướng dẫn từ Trung ương để địa phương thực hiện. Đồng thời các tổ chức xã hội cũng cần đảm bảo năng lực cung cấp dịch vụ và tư cách pháp nhân.

Hợp đồng xã hội được đánh giá là một trong những giải pháp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia về dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV thông qua mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ HIV do các tổ chức cộng đồng cung cấp cho các nhóm đối tượng đích.

Đến nay đề án “Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội giai đoạn 2022-2024” đã được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố, cung cấp dịch vụ phòng chống HIV cho gần 4.000 khách hàng thông qua 20 hợp đồng với 13 tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ các nhân viên tiếp cận cộng đồng (NVTCCĐ) của các tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội tham gia thí điểm.

Nhận định của các ban, ngành liên quan trong thực hiện Hợp đồng xã hội cho thấy, việc nhân rộng mô hình hợp đồng xã hội (HĐXH) sử dụng ngân sách nhà nước là có khả năng triển khai. Về phía các tổ chức xã hội, 93% nhân viên tiếp cận cộng đồng mong muốn tiếp tục tham gia khi chuyển sang sử dụng ngân sách nhà nước.

DNXH Niềm Tin Sông Tiền, Tiền Giang cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV nhanh cho khách hàng.

Cần có các quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn

Báo cáo đánh giá giữa kỳ của đề án thí điểm giai đoạn 2022-2024 (tháng 3/2024) chỉ ra rằng tại cấp Trung ương, cần có các quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn bao gồm nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và việc sử dụng ngân sách địa phương cho hoạt động HĐXH cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.

ThS.BS Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1387/QĐ-TTg phê duyệt các danh mục dịch vụ y tế, dân số nhưng hầu hết các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS không nằm trong danh mục này nên không sử dụng tiền ngân sách để ký hợp đồng được. Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước chỉ thực hiện với các đơn vị sự nghiệp công lập. Các tổ chức xã hội không phải đơn vị sự nghiệp công lập nên không áp dụng được Nghị định 32”.

Ông Thuỷ chia sẻ thêm: “Việc cần làm trước tiên đó là phải giải quyết được rào cản về pháp lý vì nếu không giải quyết được thì dù có ngân sách chúng ta cũng không thực hiện được HĐXH”.

Cũng theo ông Thuỷ, bên cạnh việc có năng lực trong dự báo tình hình dịch, năng lực trong tổ chức đấu thầu, năng lực quản lý các hợp đồng thì các cơ quan nhà nước cần “có lòng tin vào các tổ chức xã hội, coi các tổ chức này là đối tác”.

Cùng đó, các tổ chức xã hội cũng phải có năng lực và sẵn sàng tham gia. Sau này hợp đồng xã hội thực hiện minh bạch nhất sẽ là đấu thầu mở. Để thực hiện được các tổ chức xã hội phải có tư cách pháp nhân. Ngoài tư cách pháp nhân cần có năng lực cung cấp dịch vụ vì hầu hết các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS đều là các dịch vụ có điều kiện khi cung cấp; các tổ chức xã hội cũng phải có năng lực quản trị tổ chức, tài chính, thuế…Và đơn giá các dịch vụ cũng phải đủ hấp dẫn, nói cách khác là các tổ chức xã hội phải sống được nếu ký hợp đồng cung cấp dịch vụ.

ThS.BS Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chia sẻ. 

Lộ trình hoàn thiện hành lang pháp lý

Đề cập về lộ trình hoàn thiện hàng lanh pháp lý, đưa mô hình HĐXH phát triển và mở rộng, BS Thủy chia sẻ:“Dù nhiều hoạt động không thuộc thầm quyền hoặc chức năng của Bộ Y tế nhưng chúng tôi cũng đặt lộ trình, những việc nào Bộ Y tế sẽ phải làm và những việc nào chúng tôi sẽ vận động các Bộ, ngành cũng như Chính phủ để có thể hoàn thiện nhằm tạo khung pháp lý”.

Cụ thể, giai đọan 2024-2025 sẽ sửa đổi bổ sung được Quyết định số 1387 của Thủ tướng cũng như Nghị định 32 của Chính phủ.

Năm 2026, tập huấn hướng dẫn địa phương về Quyết định số 1387 sửa đổi cũng như xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, khung giá nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng (CBO) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương.

Giai đoạn 2027-2028: hỗ trợ CDC tỉnh tổ chức đấu thầu, nâng cao năng lực đấu thầu cho CBO và có thể triển khai HĐXH ra toàn quốc.

Mô hình hợp đồng xã hội sử dụng ngân sách địa phương được đánh giá có tính khả thi với điều kiện đảm bảo đầy đủ khung pháp lý và hướng dẫn từ Trung ương để địa phương thực hiện. Đồng thời các tổ chức xã hội cũng cần đảm bảo năng lực cung cấp dịch vụ và  tư cách pháp nhân. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội là việc làm cần thiết trong thời gian tới.

Tiếp tục nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức xã hội

“Trong thời gian sắp tới, tôi mong muốn có nhiều kỹ năng hơn, trau dồi thêm nhiều kiến thức mới để tư vấn hiệu quả hơn, khai thác được nhiều khách hàng mới hơn”, anh Nguyễn Thanh Giàu, nhân viên tiếp cận cộng đồng (NVTCCĐ) tại Tiền Giang cho biết.

Đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội, ông Đoàn Ngọc Hùng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Điên Biên chia sẻ: “Các tổ chức về xã hội trên địa bàn của tỉnh Điện Biên là những tổ chức nhỏ lẻ không có tư cách pháp nhân. Năng lực, trình độ, kỹ năng triển khai những hoạt động về cung ứng dịch vụ phòng chống HIV của các nhóm tổ chức xã hội trên địa bàn còn hạn chế… Do đó, cần tiếp tục hỗ trợ các tổ chức cộng đồng xây dựng năng lực để đăng ký tư cách pháp nhân; tăng cường cơ chế trao đổi kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên giữa Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, cơ sở y tế và các tổ chức xã hội cũng cần được thực hiện một cách thường xuyên và liên tục”.

Đồng quan điểm, ông Võ Thanh Nhơn, Quyền Giám đốc - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Các tổ chức xã hội không phải là đơn vị chuyên môn sâu về y tế nên trình độ, kiến thức, kỹ năng còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức về HIV, kỹ năng tiếp cận khách hàng để dễ dàng tiếp cận, tư vấn cho khách hàng.”

“Em test HIV thì 2 vạch. Lúc đó em rất sợ, rất lo lắng và suy sụp đến nỗi luôn nghĩ tới việc tiêu cực. Em được mấy anh ở DNXH Niềm tin Sông Tiền trấn an tâm lý, mọi thứ trong đầu em thoải mái hơn xíu, mọi thứ không còn tiêu cực nữa. Các anh hỗ trợ đến trung tâm y tế để xét nghiệm khẳng định lại. Hiện tại em đang điều trị ARV. Em đã yên tâm rất nhiều, không còn áp lực nữa, mọi thứ như một người bình thường, chỉ có khác là uống thuốc mỗi ngày thôi”, anh T.A.K khách hàng của DNXH Niềm Tin Sông Tiền, Tiền Giang chia sẻ.

T.A.K là một trong gần 4.000 khách hàng được cung cấp dịch vụ phòng chống HIV thông qua Đề án“Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội giai đoạn 2022-2024”.

“Khi tham gia HĐXH, Niềm Tin Sông Tiền được học hỏi, tìm hiểu về quy định chứng từ thanh quyết toán của nhà nước. Khi các nhà tài trợ rút, chúng tôi sẵn sàng và đủ năng lực để có thể ký kết các hợp đồng với các cơ quan của nhà nước”, anh Lê Tuấn Cường, Giám đốc DNXH Niềm Tin Sông Tiền, Tiền Giang nói thêm về lợi ích khi tham gia HĐXH.

“Tham gia HĐXH giúp nhóm chúng tôi có cơ hội tiếp cận, truyền thông và cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đồng thời cũng có thêm ngân sách duy trì hoạt động, các thành viên trong nhóm có thêm nguồn thu nhập để tự chủ hơn trong cuộc sống”, anh Quàng Văn Bình, Phó trưởng nhóm Hoa Ban Trắng, Điện Biên chia sẻ. Đồng thời, anh Bình cũng mong muốn đề án thí điểm này thành công và chính thức triển khai mở rộng ra toàn quốc. Như vậy các nhân viên tiếp cận cộng đồng như anh và các tổ chức xã hội sẽ có thể tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào công tác phòng, chống HIV/AIDS./.

Quỳnh Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN