Cần kiểm soát chặt nguồn gốc, xuất xứ bánh Trung thu!
(ĐCSVN) - Trung thu đang đến gần, kéo theo thị trường bánh Trung thu sôi động. Những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng này và phát hiện rất nhiều loại bánh không nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí được bày bán công khai trên vỉa hè. Vấn đề an toàn thực phẩm đang được đặt ra và cũng là cảnh báo cho người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi mua những sản phẩm này.
Gần 1.500 bánh trung thu ở Thanh Khê, TP Đà Nẵng không rõ nguồn gốc bị thu giữ. Ảnh: Công an cung cấp |
Gần cả tháng nay có thể thấy thị trường bánh Trung thu đã vô cùng sôi động với nhiều mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Bên cạnh những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng vẫn còn có những sẩn phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán công khai. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người tiêu dùng nếu mua phải những sản phẩm không đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Vì sức khỏe của người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã sớm có văn bản đề nghị các địa phương triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Trước yêu cầu trên, lực lượng chức năng tại các địa phương đã nhanh chóng triển khai, tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra kịp thời. Từ đây, lực lượng chức năng các địa phương cũng đã phát hiện nhiều sai phạm và thu hồi, xử lý nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Chiều tối 20/9, Đội Cảnh sát kinh tế - Môi trường (Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã phát hiện và thu giữ gần 1.500 bánh Trung thu không rõ nguồn gốc tại một cơ sở trên phường An Khê. Điều đáng nói, trên bao bì các sản phẩm đều không có nhãn mác, không có tên cơ sở sản xuất, không thành phần nguyên liệu... mà chỉ có duy nhất mỗi hạn sử dụng và ngày sản xuất. Ấy thế nhưng, thời gian ghi ngày sản xuất cũng còn không đúng với thực tế. Cụ thể, ngày sản xuất ghi trên bao bì là 24/9/2023, trong khi ngày kiểm tra là 20/9/2023. Quá trình kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy công bố chất lượng sản phẩm, không có hóa đơn chứng từ.
Chủ cơ sở khai nhận, bánh Trung thu được vận chuyển từ Hà Nội về với giá 10.000 đồng/1 cái. Sau đó, hàng sẽ được phân phối lại cho các đơn vị khác để đóng hộp và dán nhãn, “phù phép” thành bánh Trung thu có thương hiệu và bán ra thị trường.
Lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn để kịp thời xử lý các vi phạm (nguồn:Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh) |
Trên thực tế có thể thấy, tại các thành phố lớn, hoạt động kinh doanh bánh Trung thu vô cùng nhộn nhịp. Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, thị trường bánh Trung thu năm nay được đánh giá là khá sôi động, sức mua kỳ vọng sẽ cao hơn năm trước. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.
Trong tuần qua, lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng chục cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu không nguồn gốc xuất xứ. Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn sẽ triển khai liên tục, không chỉ trước mà cả sau đợt Tết Trung thu để đảm bảo thu hồi và xử lý các sản phẩm bánh Trung thu hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Cũng trong tuần qua, kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh bánh trung thu, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phát hiện lượng lớn bánh nghi nhập lậu chuẩn bị được đem bán ngoài thị trường.
Thượng úy Dương Tuấn Huỳnh, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội chia sẻ với báo chí “Lợi dụng dịp cận Tết Trung thu 2023, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao đối với mặt hàng bánh kẹo, bánh Trung thu, các đối tượng trong vụ việc đã mua gom hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các địa bàn giáp ranh Trung Quốc và móc nối với các đối tượng thuê vận chuyển qua app về tập kết tại địa bàn Hà Nội để tiêu thụ”.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm nào cũng có trường hợp ngộ độc thực phẩm vì ăn bánh trung thu mà nguyên nhân chính là ở khâu chế biến bánh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làm bánh bị mốc trước thời hạn sử dụng. Là loại bánh không thể để được lâu và nếu để quá hạn rồi thì chất chống mốc natribenzoat sẽ tiết ra chất độc hãm hại cơ thể của bạn ngay lập tức.
Trên thực tế, với các hãng bánh có thương hiệu thì đã có sự kiểm soát của nhà nước, cơ quan chức năng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, vào dịp Tết Trung thu thường rộ lên trào lưu làm bánh handmade, nhà nhà làm bánh thì rất khó kiểm soát về chất lượng. Do đó, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng, khi chọn bánh, cần phải để ý xem hạn sử dụng của bánh, ngoài ra phải quan sát kỹ trên vỏ bánh có xuất hiện những vết lấm tấm bất thường hay không, có mùi vị khác thường hay không… Đặc biệt, theo Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ tiêu chí như tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thời hạn sử dụng, có đăng ký chất lượng. Sản phẩm phải đảm bảo không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định. Khi mua bánh, người tiêu dùng nên chọn tại các cơ sở bán bánh phải có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Cục An toàn Thực phẩm cũng khuyến cáo các đối tượng nên ăn bánh theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Không nên ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.