Cần khắc phục những “lỗ hổng” trong quản lý giao thông đường thủy
(ĐCSVN) - Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Từ các vụ tai nạn, có thể thấy rõ một số “lỗ hổng” trong quản lý loại hình giao thông đặc thù này.
Cụ thể, ngày 6/3, tàu Thành Luân 28 đâm hỏng dầm cầu An Thái tại Kinh Môn (Hải Dương); ngày 12/3, xà lan chở cát đâm sập Cầu Cơn Độ (Hà Tĩnh); vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 20/3 khi một xà lan đâm sập 2 nhịp cầu Ghềnh (Đồng Nai) khiến tuyến giao thông huyết mach Bắc - Nam và đường thủy bị tê liệt hoàn toàn, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Nguyên nhân chính của các tai nạn được cơ quan chức năng xác định như: Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa kém; phương tiện hết đăng kiểm; đặc biệt, công tác hậu kiểm, đào tạo, cấp và kiểm soát chứng chỉ chuyên môn điều khiển các phương tiện đường thủy nội địa còn nhiều bất cập...
Ví như: Vụ tàu Thành Luân 28 tải trọng 3.145 tấn đã đi vào sông Kinh Môn (Hải Dương), một nhánh sông cấp 3 cấm lưu thông các tàu tải trọng lớn. Tuy nhiên, người cầm lái vẫn phớt lờ biển cấm. Hậu quả là tàu đã đâm hỏng cầu An Thái và mắc kẹt luôn tại đó.
Trong khi các cơ quan chức năng còn đang loay hoay “giải cứu” cầu An Thái khỏi bị sập do tàu thủy húc rạn nứt, thì cây cầu Ghềnh hơn 100 tuổi phải chịu số phận thê thảm hơn khi cả nhịp 2 và 3 của cầu Ghềnh bị sà lan tông đứt gãy, rơi xuống sông.
Liên quan đến chứng chỉ chuyên môn, khi trả lời phỏng vấn trên báo chí, ông Trần Văn Thanh (cha của Trần Văn Giang, người lái sà lan đâm sập cầu Ghềnh) khẳng định: "Từ nhỏ, Giang vốn không được học hành nên chỉ đi bốc vác hay phụ tàu là chính. Việc Giang được chủ tàu giao cho cầm lái một tàu kéo cỡ lớn khiến ông cũng không thể tin nổi"(?!).
Cùng lái chyến sà lan định mệnh với Giang là Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi). Anh này cũng chỉ biết đi phụ hồ kiếm tiền nuôi thân. Ông Nguyễn Văn Sông (cha của Lẹ) cho biết: “Lúc cầu Ghềnh bị sập, tôi còn lớn tiếng lên án kẻ gây tai nạn làm ảnh hưởng tới biết bao người. Không ngờ vừa dứt lời thì tôi thấy thằng con mình ngay trên truyền hình. Nhìn thấy con, chân tay tôi bủn rủn không sao đứng nổi...”.
Việc những người không được đào tạo lái các phương tiện đường thủy, nhưng lại được chủ tàu giao điều khiển sà lan hạng nặng, thì chuyện gây tai nạn chỉ là "một sớm, một chiều" mà thôi!
Có thể thấy, chứng chỉ hành nghề, bằng lái của những người điều khiển phương tiện đường thủy nói chung đang là “lỗ hổng” lớn nhất trong công tác quản lý giao thông đường thủy hiện nay.
Theo ông Trần Văn Thọ - Phó cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), hiện chúng ta đã cấp trên 200.000 bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện đường thủy, nhưng thực tế, một bộ phận thuyền viên được cấp bằng lại không hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa hoặc có thời gian nhất định mới quay lại điều khiển phương tiện, nên việc quản lý những người đã được cấp bằng chứng chỉ chuyên môn cũng rất nan giải.
Ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thủy nội địa Việt Nam phân tích: Từ một số vụ việc trên cho thấy, có quá nhiều tồn tại trong việc đảm bảo an toàn giao thông thủy hiện nay. Và chừng nào lái tàu không bằng cấp, lái theo kinh nghiệm, với “tổ hợp” chồng là thuyền trưởng, vợ là máy trưởng, còn con cái, họ hàng là các thuyền viên đều không bằng cấp, thì chừng đó còn có những vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Các vụ tai nạn đường thủy nội địa vừa qua, không những ảnh hưởng đến giao thông đường thủy mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường bộ và đường sắt, nên chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc để có giải pháp căn cơ ngăn chặn, đề phòng hữu hiệu.
Trước hết, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, chấn chỉnh công tác đào tạo bằng, chứng chỉ chuyên môn, nâng cao hạ tầng cơ sở để đáp ứng nhu cầu vận tải; chú trọng nâng cao ý thức chấp hành Luật và đạo đức của người được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn; tăng cường công tác tuyên truyền cho các đối tượng tham gia giao thông đường thủy; tăng cường công tác kiểm tra, thu hồi chứng chỉ chuyên môn; đình chỉ các phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa không còn đảm bảo an toàn hoặc vi phạm.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Công an liên ngành cần phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn các địa phương, đặc biệt quản lý chặt các bến thủy nội địa hoạt động không phép. Doanh nghiệp vận tải cũng phải tăng cường nâng cao trách nhiệm với việc quản lý phương tiện, quản lý người lái, nâng cao trách nhiệm đạo đức của người điều khiển phương tiện.
Ngoài ra, bên cạnh việc nghiêm túc rút kinh nghiệm sau mỗi vụ việc, cũng phải quy trách nhiệm tới từng lĩnh vực, từng đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nói chung, hành động tất cả vì mục tiêu đảm bảo cho mỗi hành trình trên sông được an toàn./.