Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần hiểu và tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông

Thứ Tư, 11/05/2022 15:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, thông tin về một phụ nữ lái xe máy ngược chiều trên làn đường cao tốc dành cho ô tô bị tử vong khi xảy ra va chạm với xe bán tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cách nhìn và thái độ đúng đắn, tránh vì sự cảm thương thuần túy mà dung dưỡng, cổ súy cho hành động vi phạm quy định của một số người được cho là “nạn nhân”.

Mới đây, tối 8/5, trên cao tốc Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long, Hà Nội), một phụ nữ lái xe máy ngược chiều trên làn đường dành cho ô tô đã bị tử vong sau khi xảy ra va chạm với chiếc xe bán tải. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ tai nạn như thế này.

Hiện trường vụ tai nạn tối 8/5. Ảnh: VH

Cũng trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, gần 2 năm trước, vào tối 16/8/2020, một cô gái 18 tuổi điều khiển chiếc xe máy chạy ngược chiều đã va chạm với chiếc ô tô tải. Cô gái điều khiển xe máy đã tử vong sau đó.

Đối với những vụ việc này, số ít cá nhân bày tỏ sự thương cảm đối với “nạn nhân” tử vong là người điều khiển xe máy; yêu cầu lái xe ô tô phải có trách nhiệm bồi thường cho “nạn nhân”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần cảm thông, chia sẻ với lái xe ô tô vì họ đã tuân thủ đúng luật giao thông, đi đúng làn đường nhưng vẫn gặp “rắc rối” do lỗi của người khác. Bởi các vụ tai nạn nói trên có nguyên nhân trước hết từ hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy khi đi vào đường cao tốc, đường dành riêng cho ô tô.

Anh Trần Anh Tuấn ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Dù không có ô tô nhưng tôi rất chia sẻ với lái xe ô tô trong các vụ việc xe máy đi vào đường cao tốc. Mặc dù các văn bản pháp luật cấm xe máy lưu thông trên cao tốc chỉ dành riêng cho ô tô, hệ thống biển báo giao thông cũng được lắp đặt đầy đủ nhưng đáng buồn là vẫn có cá nhân đi vào đường cao tốc, thậm chí đi ngược chiều. Khi ô tô đang lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ 90 - 100km/h, việc xử lý các tình huống này để tránh tai nạn là rất khó, nếu như không muốn nói là không thể, nhất là trong điều kiện đêm tối, đường trơn”.

Đồng tình với quan điểm nói trên, anh Lê Đức Hà ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Có thể do không nắm được quy định của Luật Giao thông đường bộ hay do nguyên nhân nào khác, việc điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc chỉ dành riêng cho ô tô là hành vi vi phạm. Do đó, bản thân người điều khiển xe máy phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bởi nếu không có hành vi vi phạm này thì vụ tai nạn đáng tiếc cũng sẽ không xảy ra”.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, đi đúng phần đường là một trong những quy tắc giao thông hàng đầu được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Tại Khoản 1, Điều 9 và Khoản 1, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải đi đúng phần đường, làn đường quy định; phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Đối với vụ việc này, hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Cơ quan chức năng cần xem xét có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án theo Điều 260 Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hay không?

Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: PMH

Tuy nhiên, do người duy nhất thực hiện hành vi đã chết nên theo quy định tại Điều 157 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án. Về trách nhiệm dân sự, nếu người phạm tội còn sống, người đó có nghĩa vụ bồi thường mọi tổn thất do hành vi của mình gây ra như chi phí hư tổn xe, chi phí những ngày xe không hoạt động phải thay thế xe khác...

Trường hợp này người gây ra tai nạn đã chết nên nếu người đó có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.

Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: Những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại trừ trường hợp có thỏa thuận khác. “Do đó, nếu người gây ra thiệt hại đã chết thì trách nhiệm bồi thường sẽ do những người thừa kế của người đó thực hiện”, Luật sư Bình phân tích thêm.

Thực tế, từ lâu đang có một điều gần như “mặc định” khi xảy ra va chạm giao thông đó là phương tiện lớn sẽ đền phương tiện bé; bất luận thế nào thì xe ô tô sẽ phải bồi thường cho xe máy, xe thô sơ… Khi tai nạn xảy ra, dù không sai nhưng lái xe ô tô thường sẽ gặp rất nhiều rắc rối, phiền toái. Xe của họ bị gọi là “xe gây tai nạn”; họ trở thành “người gây tai nạn” và họ phải tốn rất nhiều thời gian để làm việc với cơ quan điều tra, giải quyết các thủ tục pháp lý. Cùng với đó là những yêu sách của người nhà nạn nhân dù nhiều vụ việc, nguyên nhân lại xuất phát từ chính người đã mất.

Vì thế, trong các vụ va chạm giao thông, nhất là những vụ tai nạn liên quan đến xe máy đi ngược chiều trên đường cao tốc dành riêng cho ô tô, dư luận cần có cách nhìn và thái độ đúng đắn; cần thẳng thắn lên án các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Vì thái độ bênh vực người điều khiển xe máy vô hình trung đã dung túng, bao che cho vi phạm. Thái độ đó không chỉ không phải là nhân văn mà còn có thể là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn tương tự.

Mọi người đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi tham gia giao thông. Đó là cách để mỗi người tự bảo vệ bản thân và tránh những va chạm giao thông không đáng có./.

Phạm Minh Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN