Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần hiểu đúng về việc học sinh được sử dụng điện thoại di động trên lớp

Thứ Hai, 28/09/2020 19:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thông tin về việc học sinh được phép sử dụng điện thoại di động trên lớp đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Một số ý kiến của các thầy, cô giáo và các phụ huynh cũng cho rằng, việc dùng điện thoại sẽ khiến học sinh bị xao nhãng, gây khó khăn cho công tác quản lý.

 Cần hiểu đúng về việc cho phép học sinh dùng điện thoại di động trên lớp. (Ảnh: Huỳnh Phú).

Cụ thể, ngày 15/9/2020, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, tại điểm 4, Điều 37 “Các hành vi học sinh không được làm” có nêu: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, có thể hiểu theo Thông tư này, học sinh được sử dụng điện thoại di động trên lớp để phục vụ cho việc học tập và phải được phép của giáo viên. Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự lo lắng khi “học sinh được dùng diện thoại di động trong lớp”.

Chị Ngô Thị Oanh, một phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, cùng với sự phát triển của xã hội, sử dụng điện thoại di động đã trở thành nhu cầu thường trực của các con. Tuy nhiên, việc sử dụng này không hề đơn giản, nhất là sau khi một số video clip học sinh đánh nhau, clip đen... phát tán tràn lan trên mạng. Tôi đã mua cho con chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi và thường xuyên kiểm tra điện thoại của cháu. Cá nhân tôi cho rằng, không nên để các con dùng điện thoại trên lớp vì sẽ có nhiều ảnh hưởng đến việc học của các con.

Đồng tình với ý kiến nói trên, anh Trần Văn Đức ở quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng chia sẻ, có thể Bộ Giáo dục & Đào tạo muốn học sinh có thêm điều kiện tìm kiếm kiến thức ngoài sách giáo khoa nhưng theo tôi, việc cho học sinh sử dụng điện thoại di động trên lớp sẽ có tính hai mặt. Nếu quản lý tốt, thì sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. Song, ngược lại, việc quản lý thiếu chặt chẽ thì sẽ có nhiều em lợi dụng việc này để chơi game, truy cập vào các nội dung nhảm nhí, thậm chí là độc hại, không liên quan đến nội dung học tập.

Tiếp cận từ góc nhìn của một nhà giáo dục, cô giáo Trần Thị Thanh Minh, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A trao đổi, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trên lớp không phải không có mặt tích cực, nhưng cần nhận rõ những nguy cơ và hệ lụy tiêu cực từ vấn đề này. Bởi hiện nay, sĩ số học sinh các lớp thường đông, giáo viên khó có thể vừa đảm nhiệm tốt nội dung giảng dạy vừa quản lý, giám sát việc học sinh sử dụng điện thoại di động để làm gì? Có phục vụ cho nội dung bài học hay không? “Nội dung Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT nêu rất rõ, học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại di động trên lớp khi có sự đồng ý của giáo viên. Nói cách khác, quyền quyết định cuối cùng là của giáo viên đứng lớp; do vậy, từng thầy, cô giáo cần cân nhắc kỹ việc có cho phép các em dùng điện thoại di động trên lớp hay không”, cô giáo Trần Thị Thanh Minh chia sẻ thêm.

Cô giáo Trần Thị Thanh Minh. (Ảnh: NQ). 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay hầu hết các trường học đều đã có phòng máy để phục vụ môn tin học. Khi cần, học sinh có thể lên phòng máy để tra cứu tài liệu. Những nội dung cần thiết để phục vụ cho bài học, giáo viên hoàn toàn có thể giao cho học sinh tìm hiểu trong thời gian ở nhà. Thực tế, bên cạnh mặt tích cực thì việc sử dụng điện thoại di động, nhất là điện thoại thông minh trong giờ học cũng sẽ đặt học sinh trước nguy cơ phải đối mặt với những thông tin xấu độc, nhạy cảm... Nếu không quản lý tốt, rất có thể các em sẽ bị phụ thuộc vào điện thoại di động; mất đi vai trò chủ động trong tiếp nhận kiến thức của bài học.

Trao đổi về vấn đề quản lý việc sử dụng điện thoại đối với học sinh trong trường học, đồng chí Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho rằng, ở quy định mới, vẫn ghi là những hành vi học sinh không được làm, và về cơ bản thời gian trong giờ học, học sinh vẫn không được phép sử dụng điện thoại. Các em chỉ được sử dụng điện thoại khi giáo viên thấy thật sự cần thiết và cho phép thôi. Với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, ở một giờ học cụ thể hay một hoạt động học cụ thể, nếu giáo viên thấy việc sử dụng điện thoại đáp ứng tốt cho việc khai thác các tư liệu học tập để học sinh thực hiện các hoạt động học ấy thì giáo viên có thể cho phép.

Quay trở lại với quy định mới tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Theo các chuyên gia giáo dục, mọi người cần hiểu đúng quy định của Thông tư này về việc cho học sinh dùng điện thoại di động. Theo đó, học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại di động trên lớp khi có sự đồng ý của giáo viên. Như vậy, việc sử dụng điện thoại di động trên lớp của học sinh luôn gắn liền với vai trò, trách nhiệm của giáo viên. Giáo viên phải là người định hướng cho học sinh của mình khi nào là nên sử dụng điện thoại và sử dụng như thế nào cho hợp lý. Điều này cho thấy, việc sử dụng điện thoại của học sinh cần phải thực hiện đúng lúc và đúng chỗ; gắn với vai trò quyết định của giáo viên. Trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ thông tin như hiện nay, giáo viên cần là những “người thầy thông thái” và là người định hướng học sinh cách tiếp cận, tìm kiếm, sàng lọc thông tin, đánh giá, phân tích các kiến thức mà mình tìm kiếm được trên điện thoại cũng như mạng Internet nhằm phát huy tư suy, khả năng sáng tạo của học sinh.

Mặt khác, để quy định mới phát huy hiệu quả, ngành Giáo dục và các cơ sở giáo dục cần sớm nghiên cứu, xây dựng có lộ trình và có cơ chế quản lý trong quá trình học sinh sử dụng điện thoại trên lớp. Các bậc phụ huynh cần thường xuyên phối hợp với thầy, cô giáo trong việc giáo dục, định hướng và quản lý việc sử dụng điện thoại di động của các em học sinh.

Cho phép và quản lý việc sử dụng điện thoại di động của học sinh trên lớp như thế nào để có hiệu quả đến nay vẫn đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Thiết nghĩ, ngoài vai trò quản lý, giám sát của giáo viên, vấn đề mấu chốt ở đây là chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục để các em học sinh có nhận thức đúng đắn và sử dụng điện thoại di động một cách hữu ích cho việc học tập, sinh hoạt; phải xây dựng được cho các em ý thức sử dụng điện thoại di động một cách hợp lý, hiệu quả./.

Như Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN