Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần hiểu đúng để phát huy những giá trị của lễ hội

Thứ Tư, 15/02/2017 11:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Lễ hội - cầu nối quá khứ với hiện tại, là nơi lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông. Thế nhưng thời gian qua, một số lễ hội đang có những biến tướng theo chiều hướng thương mại hóa. Cần làm gì để trả lại những giá trị truyền thống vốn có của lễ hội?

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam), nét đẹp văn hóa truyền thống
 mang ý nghĩa khuyến nông. (Ảnh: Trần Quang Chiến)

Nhận diện biến tướng

Một trong những hiện tượng đáng nói là không ít người biến lễ hội thành nơi xin xỏ, mua bán với thần thánh về công danh, tiền bạc... Với mục đích này, họ đến lễ hội mà chẳng cần biết lễ hội đó liên quan đến yếu tố lịch sử, văn hóa nào … Cứ có lễ hội là tới và đã tới thì phải bằng mọi cách quyên tiền bỏ vào hòm công đức, rải tiền chỗ này chỗ nọ trong đền, chùa hay xin được lộc mang về. Tình trạng này dẫn đến việc một số nơi tranh thủ tâm lí của người đến lễ hội này để đặt thêm những hòm công đức, thậm chí còn đem tượng đặt tại các gốc cây, rồi cắm mấy nén nhang bên cạnh để người đi qua đặt tiền vào đó. Tại một số di tích còn có hiện tượng, hễ ai công đức từ 500.000 đồng trở lên sẽ được ban tổ chức đọc tên trên loa phát thanh, nhiều hơn nữa thì được ghi danh trên bia...

Một thực trạng nữa tại các lễ hội là hàng quán bao vây di tích, đền phủ, hầu hết là các mặt hàng hiện đại. Ngay cả súng nhựa, giáo mác… người ta cũng đem đến tham gia lễ hội vốn có tính chất văn hóa tâm linh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số địa phương còn có hiện tượng đấu thầu để... làm thủ nhang cai quản đền phủ. Khi trúng thầu, họ sẽ lập vùng "độc quyền" kinh doanh tại khu vực đền phủ. Chỉ những người thân của thủ nhang mới được vào bán các đồ lễ, nước giải khát, chụp ảnh… Vậy là lễ hội của cộng đồng đã bị một số người biến thành phương thức làm ăn theo kiểu buôn thần bán thánh.

Để thương mại hóa, có địa phương còn kiếm cớ sinh ra các lễ hội hoặc tranh thủ tô vẽ cho lễ hội những tích về tiền bạc công danh sự nghiệp. Ví như hiện nay có tới 14 địa phương ở các tỉnh phía Bắc tổ chức lễ hội chọi trâu. Trong khi chính thức cả nước chỉ có hai lễ hội chọi trâu là Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) và Hải Lưu (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Cứ sau mỗi lễ hội, những con trâu chọi được mổ thịt bán với giá hàng triệu đồng/kg, đó là chưa kể tới những kẻ tranh thủ chọi trâu để cá cược thắng thua.

Lễ khai ấn hiện nay cũng được nhiều địa phương tổ chức, có tới 6 đền Trần ở các địa phương khác nhau tổ chức lễ khai ấn… Theo ý kiến một số nhà nghiên cứu văn hóa, một số lễ hội còn được thần thánh hóa về thăng quan tiến chức, về tiền bạc làm ăn... nên người người đổ xô tới xin xỏ, “mua bán” với thần thánh, trong khi những lễ hội truyền thống có ý nghĩa giáo dục khác thì tỷ lệ người tham dự lại... ít hơn hẳn.



Thượng tọa Thích Thanh Huân - Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Bùi An)

Để lễ hội trở về đúng giá trị truyền thống

Trao đổi với phóng viên, Thượng tọa Thích Thanh Huân - Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Hành động mang tiền giắt vào tay tượng, rải đầy dưới chân, dưới sàn, nêu tên người công đức trên loa, tin tiền tài, danh vọng là sự hỗn tạp bây giờ mới có. Đó chỉ là những cách người đời tự nghĩ ra nhưng đã làm giảm tính tôn nghiêm, linh thiêng nơi đền phủ, chùa chiền. Giáo lý, giáo luật nhà Phật không khuyên con người làm thế. 

Thần linh là một đấng thiêng liêng của tầng trên, nên ứng xử với thần linh phải đạt được sự kính trọng và trong sáng chứ không nên ứng xử theo lối thương mại hóa. Vì vậy, người xưa đến lễ chùa, lễ đền chỉ mang theo hương, oản hay một vài sản vật đặc trưng của địa phương mình và thành kính trước các vị thần linh chứ không phô trương tiền tài như một số người hiện nay.

Về phương diện văn hóa, lễ hội vốn là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng để tưởng nhớ công ơn cha ông, chứ không thể là nơi để ỷ lại, trông chờ thần thánh ban phát cho tiền bạc, chức tước.

Người đi lễ hội cần hiểu thần tích, không gian văn hóa và giá trị riêng của lễ hội họ tham gia: Đối tượng hành lễ là ai?, Ý nghĩa của lễ hội là gì?, Cần ứng xử ra sao?. Nếu thiếu hụt điều này dễ dẫn đến những méo mó trong nhận thức: đã dự lễ hội là phải quyên tiền công đức, bằng không sẽ mắc tội với thánh thần. Khi người đi lễ hội sẵn sàng rút tiền để "mua chuộc thần linh", thì kẻ vụ lợi càng có cơ hội kiếm chác. Ðiều này lý giải tại sao những điểm thờ tự, hòm công đức cứ thi nhau mở ra để hút tiền của khách, mặc dù không ai rõ thực tế những đồng tiền đó, sau đó đi đâu, về đâu.

Theo thống kê, nước ta hiện có gần 8.000 lễ hội, trung bình mỗi ngày có hơn 20 lễ hội, nhưng nhiều lễ hội đều na ná nhau. Vì vậy cơ quan chức năng cần giúp cộng đồng nhận diện cho được lễ hội nào là thực sự cần thiết, có ý nghĩa truyền thống lâu đời và  gắn bó với cộng đồng, qua đó sàng lọc những lễ hội tổ chức theo kiểu lợi dụng vì mục đích thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi những nhận thức lệch lạc về yếu tố tiền bạc, danh vọng khi đến lễ hội.

Khi tổ chức lễ hội, chính quyền cũng cần tôn trọng giá trị truyền thống, lấy ý nghĩa văn hóa lịch sử làm trọng thay vì cân đo những lợi ích kinh tế sau mỗi kỳ lễ hội; khẳng định đâu là giá trị cốt lõi của lễ hội ở địa phương mình và cách thực hành để gìn giữ, phát huy được nét đẹp văn hóa vốn có đó./

Bùi An

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN