Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần Giuộc (Long An): Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba, 12/04/2016 16:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, huyện đã đạt những thành tựu quan trọng, bộ mặt nông thôn huyện đã có nhiều thay đổi rõ rệt.


Thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt giao thông nông thôn
trên địa bàn huyện Cần Giuộc đã có nhiều khởi sắc rõ rệt (Ảnh: baolongan.vn)

Huyện Cần Giuộc, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Long An với tổng diện tích tự nhiên là 210.198 km2, chiếm 4,7% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Đất sản xuất nông nghiệp chiếm 9.800 ha, trong đó, đất trồng lúa 7.105ha, còn lại là đất nuôi thủy sản, trồng hoa màu và cây lâu năm khác. Toàn huyện có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, chia thành 2 vùng, vùng thượng gồm 9 xã, 1 thị trấn với các thế mạnh là nông nghiệp, thương mại và dịch vụ và công nghiệp. Phần lớn, địa bàn vùng thượng đã được xây dựng các tuyến đê bao ngăn mặn, thích hợp trồng lúa 2 vụ, trồng rau màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vùng hạ gồm 7 xã nằm ở phía đông của huyện, là vùng nuôi trồng thủy sản và công nghiệp của huyện.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Các tuyến đường trục xã, liên xã, trục xóm ấp được nâng cấp, cải tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của địa phương, các chủ doanh nghiệp nhỏ hoạt động trên địa bàn huyện góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi, hệ thống cấp nước cơ bản đáp ứng nhu cầu về nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; ngành điện quan tâm đầu tư đường dây trung thế và hạ thế, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%. Việc xây dựng trung tâm văn hóa, học tập cộng đồng xã, xây dựng, cải tạo nhà văn hóa các ấp đã góp phần làm cho đời sống tinh thần người dân thêm phong phú, xuất hiện nhiều gương sáng điển hình trong sản xuất. Kết quả cụ thể, số lượng các tiêu chí “đạt” tăng, trung bình năm 2010 là 6,6 tiêu chí/xã, đến năm 2015 trung bình đạt 15,81 tiêu chí/ xã, 6/16 xã đạt chuẩn NTM.

Về kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực, thực hiện phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” đã góp phần làm tăng sức lan tỏa của chương trình đến từng hộ dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Các hoạt động, phong trào thi đua sản xuất tăng thu nhập diễn ra sôi nổi. Đồng thời, hàng năm, Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp với Hội đồng thi đua khen thưởng huyện tổ chức ngày hội tuyên dương những gương điển hình trên tất cả lĩnh vực để ghi nhận những đóng góp và nhân rộng những điển hình cho nhân dân noi theo. Qua công tác tuyên truyền vận động, cán bộ, đảng viên các ngành, các cấp từ huyện đến xã ngày càng nhận thức đúng đắn về ý nghĩa xây dựng NTM; công tác chỉ đạo và thực hiện NTM ngày càng chặt chẽ.

Về kết quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2010-2015 đạt 4,6%; sản lượng lương thực, rau màu, nuôi trồng thủy sản đều đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết huyện ủy đề ra. Công tác khuyến nông như: chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, phổ biến sử dụng giống mới, giống lúa xác nhận, con giống chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP,...từng bước được phổ biến và ứng dụng vào sản xuất. Các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt được đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cơ giới hóa trong sản xuất được chú trọng, khâu làm đất được cơ giới hóa 100%, thu hoạch đạt trên 85%.

Công tác xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại có hiệu quả kinh tế tiếp tục được triển khai. Một số mô hình canh tác như mô hình 1 vụ lúa, 2 vụ dưa ở Mỹ Lộc, nuôi dê ở Long Hậu, nuôi bò ở Phước Lý, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học ở Phước Hậu, Phước Lâm, Mỹ Lộc từng bước phát huy hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, huyện đã mở được 91 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, qua đào tạo trên 80% học viên có việc làm hoặc áp dụng vào sản xuất vào thực tiễn. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của huyện đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,81% vào năm 2010 xuống còn 2,68% vào năm 2014; 14/16 xã đạt chuẩn về hình thức tổ chức sản xuất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong công tác tuyên truyền, vận động, một số đơn vị thực hiện chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa phong phú. Nhận thức của nhiều người dân và một số cán bộ đảng viên, đơn vị về xây dựng NTM chưa đầy đủ; một số nơi còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, nhất là các xã không nằm trong lộ trình phấn đấu đạt NTM trong năm.

Thêm vào đó, nguồn lực thực hiện Chương trình còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn ít. Một số nơi chưa thật coi trọng việc phát triển sản xuất, chưa có nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả để học tập hoặc khi có mô hình công tác nhân rộng còn chậm. Song song với đó, vấn đề nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô hiện nay của huyện gặp rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu.

Theo Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Cần Giuộc, trong giai đoạn 2016-2020, huyện phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM là 13/16 xã; bình quân tiêu chí/xã đạt 18/19 tiêu chí. Thu nhập của người dân nông thôn đạt 68 triệu đồng người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,2%,  tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Các chỉ tiêu sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100 %, 100% hộ đăng ký thu gom rác trên các tuyến trục xã, liên xã, trên các tuyến trục ấp, liên ấp.

Nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra, các giải pháp được huyện đề ra trong thời gian tới gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; đẩy mạnh phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục củng cố Ban chỉ đạo, phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các tiêu chí, phối hợp tốt giữa huyện và xã để giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt điểm tối đa, đồng thời rà soát những tiêu chí chưa đạt chuẩn để củng cố phấn đấu hoàn thành. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn như: sửa chữa, chỉnh trang nhà cửa, thu gom rác thải, trồng cây xanh; xây dựng các công trình phụ của hộ gia đình như: nhà vệ sinh, nhà tắm, nước sạch.

Mặt khác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ đầu tư của Trung ương, tỉnh, địa phương, kết hợp với vốn lồng ghép của các ngành có liên quan, các doanh nghiệp và huy động sự đóng góp của nhân dân; thực hiện tốt cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, kiến nghị Trung ương, tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên, giúp địa phương tăng nguồn kinh phí xây dựng NTM, nhất là cơ chế tín dụng ưu đãi đặc thù, chú trọng vào tăng nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn. Các trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ của tỉnh, trực thuộc Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công thương, Sở NN&PTNT… thông tin nhiều hơn nữa cho các địa phương những ứng dụng tiến bộ mới, những mô hình sản xuất có hiệu quả để triển khai trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của huyện trong mùa khô, UBND huyện kiến nghị cấp trên cần có giải pháp đưa nước ngọt từ nơi khác về huyện thông qua các hệ thống thủy lợi. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tưới phun cho cây rau theo hướng tiết kiệm nước để hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn nước ngầm. Đồng thời, kiến nghị tỉnh tiếp tục đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng như: giao thông nông thôn, điện phục vụ cho nuôi trồng thủy sản,  phục vụ cho sản xuất và đi lại của người dân nhất là các xã vùng hạ. Thêm vào đó, kiến nghị Sở NN&PTNT, Sở Công thương tỉnh tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là việc xây dựng cánh đồng lớn trên cây lúa để có đầu ra ổn định cho nông dân./.

Bùi Thủy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN