Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần giải pháp tổng thể triển khai cao tốc Vành đai 5 và đường song hành

Thứ Hai, 18/11/2024 19:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc sớm hoàn thành đưa vào khai thác tuyến Vành đai 5 theo quy hoạch được phê duyệt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam và các địa phương có dự án đi qua là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm triển khai đồng bộ tuyến cao tốc Vành đai 5 và đường song hành hai bên theo quy hoạch được phê duyệt, cần nghiên cứu giải pháp tổng thể.

Ảnh minh họa. 

Ngày 18/11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản trả lời UBND tỉnh Hà Nam liên quan đến một số nội dung liên quan đến tuyến đường Vành đai 5 theo quy hoạch đoạn từ nút giao Bình Nghĩa đến nút giao Thái Hà và Dự án BOT cầu Thái Hà thuộc địa bàn tỉnh này.

Trước đó, tỉnh Hà Nam đề xuất đầu tư trước đường song hành hai bên tuyến Vành đai 5 và tận dụng các tuyến đường đang đầu tư (QL21B, đường nối 2 cao tốc) làm một phần đường song hành, đường gom.

Bộ GTVT cho rằng, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến Vành đai 5 trên địa bàn tỉnh Hà Nam có chiều dài khoảng 36km, quy mô 6 làn xe cao tốc, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Trong thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu vận tải, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương thực hiện đầu tư một số đoạn theo quy mô phân kỳ như tuyến QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa theo quy mô 2 làn xe và tuyến đường nối hai cao tốc quy mô 4 làn xe.

“Việc sớm hoàn thành đưa vào khai thác tuyến Vành đai 5 theo quy hoạch được phê duyệt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam và các địa phương có dự án đi qua là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm triển khai đồng bộ tuyến cao tốc Vành đai 5 và đường song hành hai bên theo quy hoạch được phê duyệt, cần nghiên cứu giải pháp tổng thể”, Bộ GTVT đánh giá.

Trong đó cần xác định vị trí, hướng tuyến cụ thể, quy mô mặt cắt ngang tổng thể của đường Vành đai 5 như bề rộng vỉa hè, đường song hành, dải trồng cây, dải phân cách giữa đường song hành và cao tốc Vành đai 5, đảm bảo phù hợp với nhu cầu vận tải, chức năng của các tuyến đường, làm cơ sở để xác định nhu cầu sử dụng đất, phạm vi giải phóng mặt bằng cũng như giải pháp tận dụng các đoạn tuyến đã đầu tư nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ GTVT để nghiên cứu, thống nhất lựa chọn phương án đầu tư phù hợp trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3km thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà, Bộ GTVT cho biết, để xác định phương án phù hợp, khả thi làm cơ sở để triển khai nâng cấp mở rộng đoạn tuyến nối hai cao tốc đoạn trùng 1,3km với đường dẫn cầu Thái Hà thuộc dự án BOT cầu Thái Hà, Bộ đã chỉ đạo Cục Đường bộ VN làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam về phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến nêu trên.

Nhà đầu tư đề nghị tiếp tục được thực hiện đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3km thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Đường bộ VN, trong điều kiện doanh thu thu phí của dự án bị sụt giảm (chỉ đạt 16% so với doanh thu trong hợp đồng), trường hợp bổ sung đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3km thì khó khăn, vướng mắc của dự án sẽ tăng thêm.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sớm bàn giao đoạn tuyến 1,3km cho địa phương để thực hiện đầu tư mở rộng, bảo đảm khai thác đồng bộ với dự án đường nối hai cao tốc.

Theo quy hoạch, Vành đai 5 - Vùng Thủ đô có chiều dài khoảng 330km, quy mô 4-6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33m và có đường gom hai bên. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội (48km), Hòa Bình (35,4km), Hà Nam (35,3km), Thái Bình (28,5km), Hải Dương (52,7km), Bắc Giang (51,3km), Thái Nguyên (28,9km) và Vĩnh Phúc (51,5km)./.

Tin, ảnh: KC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN