Cần giải pháp thích hợp để gắn kết nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn
(ĐCSVN) - Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cho rằng, dù nguồn lực đầu tư cho khoa học còn khiêm tốn trong điều kiện nguồn lực chung có hạn, nghiên cứu khoa học có tính mạo hiểm và có khả năng rủi ro thất bại, không thể sáng đầu tư chiều có kết quả ngay, nhưng nếu không đánh giá kỹ và có giải pháp thích hợp thì rất khó gắn kết nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu chưa hoàn thiện về công nghệ, chưa có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phát biểu tranh luận với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cho biết, Báo cáo 484 của Chính phủ đánh giá việc thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ đã chỉ ra nguồn cung công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học công lập ở nước ta khá phong phú, đa dạng nhưng lượng hàng hóa khoa học, công nghệ còn rất khiêm tốn, mới hấp dẫn chưa đầy 16% doanh nghiệp quan tâm. Lý do phần lớn là kết quả nghiên cứu chưa thực sự trở thành hàng hóa khoa học, công nghệ để lưu thông trên thị trường.
Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang). Ảnh: QH |
Đại biểu nhấn mạnh, con số này phản ánh đây là thực trạng đáng quan ngại về hiệu quả nghiên cứu khoa học. Dẫu vẫn biết rằng nguồn lực đầu tư cho khoa học còn khiêm tốn trong điều kiện nguồn lực chung có hạn, nghiên cứu khoa học có tính mạo hiểm và có khả năng rủi ro thất bại, không thể sáng đầu tư chiều có kết quả ngay, nhưng nếu không đánh giá kỹ và có giải pháp thích hợp thì rất khó gắn kết nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.
Đại biểu cho rằng, cần đánh giá bối cảnh, xu hướng, nhu cầu phát triển khoa học, công nghệ và năng lực thực tế của chúng ta để xác định rõ nội dung, đối tượng. Qua đó, hoạch định chính sách thích hợp để cân đối, phát triển từng loại hình khoa học nghiên cứu như là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai và nghiên cứu thăm dò.
Cùng với đó, cần lấy quy trình đánh giá hiệu quả theo các yếu tố như yếu tố đầu vào, đầu ra, mức độ, hiệu quả tác động, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư cho các nhóm nội dung đối tượng nêu. Bố trí nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có tính đến yếu tố công tư và đối tác công tư. Theo đó, đầu tư công chủ yếu cho nghiên cứu cơ bản và những lĩnh vực mà khu vực tư không muốn làm hoặc không thể làm. Còn khu vực tư cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai để có thể khai thác hiệu quả ngay.
Đại biểu cũng cho rằng, cần có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với các nhà khoa học chân chính, tạo điều kiện môi trường nghiên cứu và đảm bảo thu nhập hợp lý cho nguồn nhân lực đặc biệt này. Cần phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, kiên quyết loại bỏ những đề xuất nghiên cứu không đáp ứng yêu cầu về hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội./.