Cần đổi mới trong hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo
(ĐCSVN) - Sinh kế là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính bền vững của công tác giảm nghèo. Vì vậy, bên cạnh quan tâm dành nguồn lực rất cần những đổi mới trong phương thức hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương đã hỗ trợ gần 7,7 nghìn tỷ đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn.
Từ nguồn vốn được bố trí, các địa phương đã thực hiện 12.371 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo, với gần 2,3 triệu hộ được hưởng lợi.
Hầu hết các địa phương đang tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho mảng sinh kế nông nghiệp, có rất ít hoạt động hỗ trợ sinh kế phi nông nghiệp (Ảnh: Phương Liên) |
Khảo sát của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy 94,6% số hộ dân tham gia đánh giá các dự án mang lại hiệu quả từ mức độ trung bình trở lên; 83% đánh giá được hưởng lợi từ các dự án; 76,2% đánh giá năng suất, sản lượng tăng; 92% cho rằng thu nhập của hộ tăng trong quá trình tham gia dự án.
Tuy nhiên, tỷ lệ số hộ đánh giá chỉ đạt ở mức trung bình các tiêu chí về hiệu quả, mức độ hưởng lợi, thay đổi về năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm, thu nhập luôn cao hơn tỷ lệ số hộ đánh giá tốt, thậm chí 5,4% số hộ tham gia cho rằng các dự án này không mang lại hiệu quả giảm nghèo; 17,1% đánh giá không được hưởng lợi đáng kể từ việc tham gia dự án; 23,8% số hộ đánh giá không có thay đổi về năng suất và sản lượng so với trước khi tham gia dự án; 20% số hộ đánh giá chất lượng sản phẩm sản xuất không tăng; 7,3% số hộ có thu nhập không thay đổi…
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ ra nhiều tồn tại cần khắc phục trong hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2016 - 2020. Đầu tiên là định mức phân bổ thấp, bình quân chỉ khoảng 300 triệu đồng/xã/năm, trong khi ở các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo thường rất cao.
Ông Thào A Dế, quyền Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết, tại địa phương này, định mức hỗ trợ hộ nghèo 12 triệu đồng để mua trâu giống chỉ bằng 1/3 mức giá thực tế trên thị trường. Đã hỗ trợ thì phải đủ tiền mua một con giống thì mới tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sinh kế - ông Thào A Dế kiến nghị.
Theo kết quả khảo sát do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thực hiện thì định mức hỗ trợ cao nhất cho hộ nghèo ở các địa phương là 15 triệu đồng/hộ, thấp nhất là tỉnh Đắk Nông 5 triệu đồng/hộ. Mức hỗ trợ này không đáp ứng đủ nhu cầu mua con giống, đặc biệt là những gia súc lớn như trâu, bò đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật của ngành nông nghiệp.
Hệ quả là nếu các địa phương tập trung hỗ trợ đồng bộ thì số lượng hưởng lợi hàng năm rất ít. Ngược lại, nếu quy định định mức thấp để nhiều hộ nghèo được hỗ trợ thì không thể giúp thay đổi sinh kế, cải thiện đời sống hiệu quả.
Không đủ vốn thì không thể tạo đột phá trong tạo sinh kế cho hộ nghèo, trong khi đây lại là điểm mấu chốt quyết định yêu cầu giảm nghèo nhanh, bền vững, ông Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè, tỉnh Lai Châu bày tỏ quan điểm.
Quy định của Chương trình cho phép lập các dự án hỗ trợ sinh kế với thời gian tối đa 3 năm. Tuy nhiên hầu hết các địa phương đều lập dự án 1 năm do nguồn vốn sự nghiệp thấp, không ổn định, phải thanh quyết toán trước 31/12 hàng năm. Bản thân hộ nghèo cũng cho rằng, với định mức hỗ trợ 10 - 15 triệu đồng/hộ mà đòi hỏi thoát nghèo sau một năm thực hiện là rất khó.
Năm 2017, bà Phạm Thị Quy, thôn Văn Tứ, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được hỗ trợ 1 con bò trong nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Sau một năm chăm sóc, con bò sinh sản được 1 con bê và từ 2018 đến nay, đều đặn mỗi năm sinh một lứa. Mỗi con bê bán được trên dưới 15 triệu đồng. Số tiền đó không thể tạo ra đột phá về thu nhập để gia đình thoát nghèo.
Mặt khác, xã, thôn thường chọn những hộ có điều kiện kinh tế tương đối trong nhóm hộ nghèo có khả năng thoát nghèo để hỗ trợ trước, dẫn đến những hộ nghèo nhất có thể lại chậm được hỗ trợ. Tại Bắc Kạn, còn có trường hợp người dân không muốn tham gia dự án hoặc trả lại cây, con giống do lo ngại không thoát được nghèo.
Nhằm nâng cao tính cộng đồng trong việc giúp nhau thoát nghèo, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 quy định tỷ lệ hộ không nghèo tham gia vào các tổ, nhóm tối đa không quá 30%. Sự tham gia của hộ không nghèo vào các dự án giảm nghèo là rất quan trọng vì đó là những hộ có kinh nghiệm sản xuất, tiên phong làm đầu tầu dẫn dắt, chia sẻ, hỗ trợ, lan tỏa các thực hành tốt đến các hộ nghèo trong tổ, nhóm khi thực hiện mô hình.
Tuy nhiên chỉ hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được hỗ trợ kinh phí. Việc không hỗ trợ cho hộ không nghèo là nguyên nhân góp phần khiến việc hình thành và duy trì tổ, nhóm gặp khó khăn. Nên chăng tại địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn cần mở rộng hỗ trợ tới các hộ nông dân sản xuất giỏi làm mô hình để các hộ nghèo noi gương, học tập và làm theo, bà Phạm Ngọc Tuyết, Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái kiến nghị.
Việc làm phi nông nghiệp đang ngày càng trở thành động lực chính của giảm nghèo. Mặc dù vậy, hầu hết các nguồn vốn vẫn được các địa phương hỗ trợ cho mảng sinh kế nông nghiệp, chưa có sự phân biệt rõ giữa hợp phần hỗ trợ sinh kế nông, lâm, ngư nghiệp và hợp phần hỗ trợ sinh kế phi nông nghiệp.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện đang xây dựng dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng tách bạch rõ ràng các nội dung của các dự án thành phần và giao cho đầu mối các Bộ, ngành quản lý tránh sự trùng chéo và gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện, trong đó đề xuất tách nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thành một dự án thành phần riêng. Dự kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện dự án này.
Bên cạnh đó, bổ sung các dự án có tính chất tác động đến đối tượng trung tâm là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo hiệu quả, bền vững./.