Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng hành hung nhà báo

Thứ Sáu, 25/03/2016 18:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vừa qua, sự việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động) trên đường tác nghiệp đã bị ba đối tượng lạ mặt hành hung dã man đã tiếp tục rung lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nhà báo bị hành hung hiện nay, đặc biệt, những nhà báo tham gia mảng điều tra đấu tranh, chống tiêu cực…

Chiếc mũ bảo hiểm của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhem nhuốc vết máu
sau khi anh bị 3 người lạ hành hung sáng ngày 23/3. (Ảnh: Báo Lao Động).

Trên một số tờ báo thông tin, khoảng 7h45 phút sáng 23/3 tại khu vực chung cư Kim Lũ (phía sau Đại học Thăng Long, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (hiện đang công tác tại Báo Lao Động) trên đường đi thực hiện nhiệm vụ do cơ quan giao, khi đến khu vực phía sau chung cư Kim Lũ (nơi đang có công trình xây dựng) thì thấy 3 người đàn ông cao to bịt mặt, cầm gậy chặn đường, sau đó xông tới dùng gậy hành hung tới tấp, đến khi nạn nhân bất động mới chịu bỏ đi.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể lại, anh không hề có mâu thuẫn hay hiềm khích gì với ai và cũng không biết 3 đối tượng hành hung. Nhiều người tình nghi, có thể vì thời gian qua nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã và đang liên tiếp viết các bài phóng sự điều tra gây hiệu ứng xã hội lớn, điều đó đã khiến các đối tượng có quyền lợi liên quan theo dõi, phục kích và trả thù. Trình báo trước cơ quan Công an, anh Hoàng đã cung cấp nhiều nội dung liên quan đến hành vi đe dọa trả thù còn lưu giữ trong máy ghi âm và tin nhắn điện thoại.

Hiện anh Hoàng đang rất lo lắng, không chỉ cho mình anh mà còn cho cả gia đình, người thân, và mong cơ quan chức năng khẩn trương truy tìm các đối tượng để đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật.

Sáng ngày 25/5, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn đề nghị Công an TP. Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai điều tra, làm rõ vụ nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị 3 kẻ bịt mặt tấn công. Nội dung công văn nhấn mạnh: "Để bảo vệ quyền hành nghề và các quyền khác của nhà báo theo Điều 15 Luật Báo chí, Cục Báo chí đề nghị Công an TP. Hà Nội chỉ đạo Công an quận Hoàng Mai nhanh chóng điều tra, làm rõ hành vi và xử lý nghiêm các đối tượng theo đúng quy định".

Trước vụ việc trên, đã có hàng loạt vụ nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp, tiêu biểu như: Ngày 4/9/2015, nhà báo Nguyễn Ngọc Quang - Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên đã bị chặn đường truy sát, do đã có loạt bài điều tra liên quan đến việc khai thác quặng tại địa phương; Phóng viên Thế Dũng của báo Người lao động từng bị hành hung dã man khi tác nghiệp về tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu ở Lạng Sơn…

Luật Báo chí quy định: “không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Luật bảo hộ quyền tác nghiệp là vậy, tuy nhiên chưa thể đưa ra một chế tài đủ mạnh để xử lý, răn đe những hành vi cản trở, hành hung nhà báo. Phải chăng đây chính là một trong những “kẽ hở” để những kẻ hành hung nhà báo lộng hành? Thậm chí đã có trường hợp nhà báo bị hành hung ngay trước mặt lực lượng chức năng nhưng không được bảo vệ...

Thiết nghĩ, để hạn chế các vụ việc hành hung đáng tiếc, bản thân các phóng viên, nhà báo, người đang làm báo hiện nay phải tuân thủ tác nghiệp đúng nguyên tắc, nhất là khi làm bài điều tra, phải luôn tự xây dựng các kế hoạch, tình huống có thể xảy ra để phòng ngừa rủi ro trong và sau mỗi vụ việc; đồng thời, liên tục trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, tự phòng thân, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp. Các cơ quan báo chí cần tạo mọi điều kiện tốt nhất cho phóng viên, nhà báo khi đi tác nghiệp, đặc biệt đối với các vụ việc phức tạp. Cùng với đó, cần tăng cường tập huấn, đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, phóng viên cơ quan mình.

Vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là các ngành, cơ quan chức năng cần bổ sung những chế tài, điều luật nghiêm khắc, đủ mạnh, đủ tính răn đe đối với các đối tượng có hành vi hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp, góp phần tích cực trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, hành nghề đúng quy định của pháp luật./.

Trần Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN