Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao nhà đầu tư

Thứ Sáu, 03/11/2023 19:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 3/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh hoạt, đời sống của người dân...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 3/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, về dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, thương mại, dịch vụ là nội dung rất quan trọng, được cử tri mong chờ, đặc biệt là người dân trong diện bị thu hồi đất cho các dự án có chênh lệch địa tô.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu tại Hội trường chiều 3/11. (Ảnh: QH)

Đại biểu Hòa đồng tình thực hiện phương án 2, nghĩa là dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, với phương án này thì cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh hoạt, đời sống của người dân.

Đại biểu Hòa cũng cho biết, việc nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân mà đạt được tỷ lệ đồng thuận 100% là rất khó xảy ra.

Về nội dung này, phương pháp, nguyên tắc định giá đất là rất quan trọng, nên việc quy định theo phương án 2 là lựa chọn hợp lý, phù hợp với thực tiễn, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) lại chọn phương án 1, nghĩa là dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.

Tuy nhiên, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất chỉ là hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất, không phải tiêu chí, điều kiện để thu hồi đất, chưa phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 18 về quy định điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại dịch vụ không chỉ đem lại về kinh tế mà còn góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Vì vậy, việc thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án này cũng là để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều tiết chênh lệch địa tô được thực hiện qua việc Nhà nước giao đất và cho thuê đất để thực hiện dự án này theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.

Đề xuất mở rộng các quyền về đất đai cho người có quốc tịch Việt Nam định cư ở nước ngoài

Một trong những nội dung khác cũng được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận đó là quy định về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Trước đó, tại phiên họp sáng ngày 3/11, báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã thông tin liên quan đến quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước); giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).

Trên cơ sở các ý kiến này và ý kiến của Chính phủ, dự thảo thiết kế 2 phương án:

Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Phương án 2: Giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Góp ý về nội dung này chiều nay, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, với người có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài vẫn có quyền lợi như người quốc tịch Việt Nam ở Việt Nam, còn các trường hợp khác thì không được quyền lợi. Đại biểu không đồng tình với việc người gốc Việt Nam, không có quốc tịch Việt Nam, nhưng được hưởng quyền lợi về đất đai như người Việt Nam. Theo đại biểu, nếu đã bỏ quốc tịch Việt Nam thì sẽ không thể được hưởng quyền lợi ngang bằng với những người giữ quốc tịch Việt Nam.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: QH

Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) bày tỏ tán thành với hồ sơ dự án Luật; đồng thời, nhấn mạnh đây là dự án Luật khó, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, có tác động đến mọi tầng lớp nhân dân… Qua nghiên cứu, cơ quan soạn thảo đã hết sức nỗ lực tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Về quy định tại khoản 3, Điều 4 về người sử dụng đất, đại biểu bày tỏ ủng hộ phương án 1 như Chính phủ trình là sửa thành “Cá nhân là công dân Việt Nam”. Bởi theo khoản 1, Điều 5 Luật Quốc tịch có quy định: Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Do vậy, dù ở trong nước, hay ở nước ngoài, người có quốc tịch Việt Nam vẫn là công dân Việt Nam, họ vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một công dân Việt Nam.

“Hơn nữa, việc mở rộng đối tượng này còn có thể thu hút được chất xám và đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Họ luôn luôn hướng về Việt Nam, mong muốn cống hiến cho quê hương. Do vậy, việc lựa chọn phương án 1 mở rộng đối tượng này thành Công dân Việt Nam tại khoản 3, Điều 4 để họ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai là phù hợp”, đại biểu Lưu Bá Mạc nêu ý kiến.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho biết, điểm c, khoản 1, Điều 28 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư và Nhà nước phải thu hồi đất để cho thuê, nhưng một số dự án có mục tiêu hoạt động không thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội như quy định tại Điều 62 Luật Đất đai hiện hành và Điều 79 dự thảo Luật. Do vậy, chính quyền địa phương không có cơ sở thu hồi đất để giao cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuê. Đồng thời, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng không được trực tiếp thỏa thuận bồi thường với người dân để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, dẫn đến dự án bị bế tắc, cũng như tạo sự không thống nhất trong chính sách và thực thi pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị chọn phương án 2: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN