Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần có sự hướng dẫn thống nhất về mô hình tổ chức Hội đặc thù

Thứ Năm, 07/07/2022 18:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sáng 7/7, tại Hà Nội, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Đề án 103 do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VA

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo “Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và “Đề án Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Đề án 103) làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam nhằm khảo sát chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy chế và tình hình hoạt động của Hội.

Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tặng Cờ thi đua và Bằng khen liên tục từ năm 2016-2021.

Hội đã quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy cán bộ ngày càng tinh gọn, theo hướng giảm số lượng, tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ. Công tác quản lý các đơn vị trực thuộc ngày càng được tăng cường, đã giảm mạnh số lượng các đơn vị trực thuộc (sáp nhập, giải thế, chuyển chủ quản…) từ 67 đơn vị còn 25 đơn vị.

Trong nhiệm kỳ V (2016-2021) và 6 tháng đầu năm 2022, thực hiện 10 nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội và Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, Hội đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, hoàn thành tốt, vượt kế hoạch chỉ tiêu Chính phủ giao. Tính đến cuối năm 2020, cả nước đạt hơn 16 triệu gia đình học tập, hơn 84 nghìn dòng họ học tập, hơn 48 nghìn đơn vị học tập, hơn 89 nghìn cộng đồng học tập.

Về tình hình phát triển tổ chức hội, hội viên, đến cuối năm 2021, số hội viên cá nhân là hơn 22,5 triệu hội viên; 63 hội viên tổ chức. Thông qua hoạt động của Hội, nhân dân rất tin tưởng, đồng tình hưởng ứng, tham gia Hội và sự học ngày càng được quan tâm.

Về Quy chế hoạt động của Hội, theo GS.TS Nguyễn Thị Doan sau khi Điều lệ Đại hội VI được Bộ Nội vụ phê duyệt, Hội Khuyến học đã xây dựng các văn bản sửa đổi, bổ sung. Cơ quan Trung ương Hội, tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội đoàn kết, nhất trí, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động hội viên hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Các quy chế hoạt động đã từng bước được hoàn chỉnh để phù hợp với thực tiễn chỉ đạo, điều hành và vận động hội viên.

Thông qua việc thực hiện mô hình học tập, tinh thần học tập suốt đời của nhân dân được nâng cao. Hiệu quả các mô hình đạt được khá toàn diện, góp phần phát triển khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Ngày 3/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030”. Thực hiện chương trình này, Hội Khuyến học đã xây dựng Kế hoạch thực hiện 2 chương trình chuẩn bị tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban Chấp hành, hoàn thiện các tiêu chí, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho hay, trong hoạt động, Hội Khuyến học còn gặp những khó khăn như: Trung ương Hội được xác định là hội đặc thù, nhưng ở các tỉnh, thành Hội lại không được xác định là đặc thù theo đúng quy định. Đặc biệt, ở cấp xã, phường, do không được công nhận là hội đặc thù, có nơi đã sáp nhập vào hội khác nên chưa có chính sách hỗ trợ và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, chưa quan tâm đến chính sách, điều kiện hoạt động của một số tỉnh, thành Hội, huyện Hội, Hội cấp xã.

Tại buổi làm việc, Hội Khuyến học cũng đề nghị, cần có sự hướng dẫn thống nhất trong cả nước về tổ chức mô hình tổ chức Hội đặc thù để đề xuất triển khai nhiệm vụ đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và hỗ trợ cho chính sách cán bộ Hội cũng như hoạt động Hội.

 Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu. Ảnh: VA

Phát biểu kết luận, thay mặt đoàn công tác, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương biểu dương những kết quả các cấp hội Khuyến học đạt được trong thời gian qua; đồng thời trân trọng các cán bộ Trung ương Hội luôn tâm huyết, dày dặn kinh nghiệm, là lực lượng nòng cốt trong việc lan tỏa khuyến học hoạt động của Hội trong toàn quốc.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cho rằng từ các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc và thực tiễn khuyến học ở các địa phương đã minh chứng, Hội Khuyến học Việt Nam do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đã hoàn thành tốt sứ mệnh quan trọng, kể cả trong công tác dân vận, bằng chứng qua số lượng hội viên lớn nhất trong tổng số các Hội của cả nước.

Các cấp hội đã là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, ngày càng làm tốt hơn mục tiêu của Hội góp phần to lớn trong công tác khuyến học khuyến tài, thông qua các mô hình học tập, mô hình khuyến học của dòng họ, gia đình, mô hình toàn dân học tập, học tập suốt đời theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và của Đảng ta. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp tích cực cho sự phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các cấp Hội khuyến học, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp những kiến nghị của Hội để báo cáo Ban Bí thư; trên cơ sở đó tham mưu Ban Bí thư chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN