Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần có cơ chế pháp lý để quản lý, khai thác không gian ngầm

Thứ Năm, 22/06/2023 11:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đây là đề xuất của đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP.Hồ Chí Minh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

 Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, quy định “chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển” là một trong các nội dung thuộc nhiệm vụ hoàn thiện thể chế chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được xác định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Thể chế hóa nội dung này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngoài việc tập trung quy định về cơ chế quản lý, sử dụng đất trên bề mặt cũng đã có những quy định về chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm. Đặc biệt, dự thảo Luật đã dành Điều 214 để quy định về đất xây dựng công trình ngầm.

“Có thể nói, các quy định nêu trên đã bước đầu hình thành nên cơ chế pháp lý nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất theo hướng mở rộng quỹ đất theo không gian, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp, đặc biệt là đất đô thị. Đây cũng được coi là một trong những đổi mới quan trọng và rất cần thiết trong chính sách quản lí, sử dụng đất đai đã và đang được nhiều quốc gia thực hiện”, đại biểu khẳng định.

Các quy định về quy hoạch không gian ngầm còn rất tản mát, riêng lẻ, thiếu đồng bộ

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hiển chỉ ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai hiện hành quy định “Người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Nội dung này tiếp tục được ghi nhận tại khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong khi đó, theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật dân sự thì “người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật”. Như vậy, pháp luật đất đai, pháp luật dân sự hiện hành và cả dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có quy định cụ thể về chiều cao và chiều sâu mà tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất được khai thác, sử dụng. Việc giới hạn chiều cao, chiều sâu này được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

 Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Tl.

Qua rà soát, đại biểu nhận định, trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay đã có một số quy định riêng để quản lý không gian mặt đất, không gian trên mặt đất. Riêng đối với không gian ngầm đã có Nghị định 39 năm 2010 của Chính phủ và hiện nay một số địa phương như Hà Nội đã có quy hoạch không gian ngầm. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các quy định này còn rất tản mát, tiếp cận còn riêng lẻ, thiếu đồng bộ; độ phủ của các quy hoạch thì chưa kín nên gây lúng túng trong quản lý. Nhiều trường hợp phạm vi sử dụng không gian của người sử dụng đất là rất rộng hoặc chưa được xác định dẫn đến thực tế là trên một thửa đất, ở cùng một thời điểm chỉ có một chủ thể khai thác, sử dụng, gây khó khăn trong việc tận dụng nguồn lực đất đai.

Cần bổ sung quy định nguyên tắc về phân chia quyền sử dụng đất theo phân vùng theo chiều đứng

Từ những phân tích trên, để khắc phục các vấn đề này, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần được nghiên cứu, bổ sung quy định nguyên tắc về sự phân chia quyền sử dụng đất theo phân vùng theo chiều đứng; theo đó, căn cứ vào từng loại đất, ngoài diện tích bề mặt của người sử dụng đất thì còn quy định độ sâu tối đa mà người sử dụng đất bề mặt được khai thác, sử dụng. Đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng khoảng không gian bên trên mặt đất để bảo đảm đồng bộ.

 Cũng theo đại biểu, mặc dù khoản 1, Điều 214 quy định đất xây dựng công trình ngầm bao gồm: (1) đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khải thác sử dụng công trình ngầm và (2) không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình trong lòng đất mà công trình này không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất. Tuy nhiên, hầu hết các quy định của dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm mà chưa có các quy định để điều chỉnh đối với không gian dưới lòng đất để xây dựng công trình. Chẳng hạn như các khu vực công cộng, vườn hoa, công viên, quảng trường thì có thể cấp quyền sử dụng không gian ngầm cho các tổ chức, cá nhân hay không?. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cũng cần làm rõ trong trường hợp cho phép sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình không phải là phần ngầm của công trình trên mặt đất thì cơ chế sử dụng đất, mối quan hệ giữa các chủ thể có quyền sử dụng bề mặt đất với chủ sở hữu công trình ngầm sẽ được giải quyết ra sao để tạo thuận lợi cho quá trình khai thác, sử dụng.

Mặt khác, khoản 2 Điều 214 dự thảo Luật Đất đai quy định người sử dụng đất theo quy định của Luật này được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian dưới lòng đất theo quy định của pháp luật khi được Nhà nước xác định theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về kiến trúc... Như vậy, có thể hiểu trong giới hạn độ sâu trong lòng đất mà pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về kiến trúc quy định cho người sử dụng đất được sử dụng thì người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian dưới lòng đất. Cách tiếp cận này theo đại biểu cũng cơ bản phù hợp với chế định về quyền bề mặt được quy định trong Bộ luật Dân sự, theo đó “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác”. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại để sử dụng vào mục đích gì, trình tự, thủ tục thực hiện cụ thể như thế nào thì chưa được dự thảo Luật quy định. Để bảo đảm tính khả thi của quy định, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất dự thảo Luật cũng cần nghiên cứu, bổ sung làm rõ các nội dung này.

Đại biểu phân tích, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định việc đăng ký lần đầu và đăng ký biến động quyền sử dụng đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, quyền sở hữu công trình ngầm nhưng lại chưa có quy định chủ thể có quyền bề mặt phải đăng kí quyền bề mặt. Cho rằng việc đăng ký là rất cần thiết bởi thông qua việc đăng kí mới có thể phân định được mối quan hệ giữa quyền bề mặt với quyền sử dụng đất cũng như xác định được tư cách chủ thể của người có quyền bề mặt, song đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định quy trình, thủ tục, cũng như ban hành các mẫu hồ sơ, lệ phí, cơ chế đăng kí đối với quyền bề mặt...

Ngoài ra, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng cần bổ sung các quy định hướng dẫn triển khai những vấn đề liên quan đến quyền bề mặt như việc tính toán các chi phí chuyển giao quyền bề mặt, về mức chuyển nhượng quyền bề mặt hợp lí để hài hòa lợi ích cho các bên, giữa người có quyền sử dụng đất và người có quyền bề mặt, giữa người được cấp quyền bề mặt lần đầu và những người tiếp sau; cách thức xác định trách nhiệm của những người được cấp quyền bề mặt đối với việc bảo vệ, quản lí tài sản chung hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra đối với bề mặt đất hoặc tài sản gắn liền với đất.../.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN