Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần có chế tài mạnh nhằm xử lý nghiêm hành vi tung tin đồn thất thiệt

Thứ Sáu, 13/05/2016 16:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mới đây, Công an tỉnh Thái Bình đã triệu tập đối tượng đưa tin thất thiệt cá chết ở bãi biển Cồn Vành để điều tra. Trong khi nguyên nhân cá chết ở biển miền Trung còn chưa được làm rõ thì việc đưa tin thất thiệt như trên sẽ gây ra những hậu quả khó lường, pháp luật cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm...

Sau thời gian xác minh, ngày 9/5, Công an tỉnh Thái Bình đã triệu tập Bùi Đức Hải (sinh năm 1994, trú tại thôn Đào Động, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) là đối tượng đưa tin không đúng sự thật về hiện tượng cá chết ở bãi biển Cồn Vành lên công an làm việc.

Đối tượng Bùi Đức Hải đã khai nhận trước cơ quan điều tra, thời gian gần đây, khi truy cập thông tin trên trên mạng Internet thấy nhiều bài viết đăng tải, phản ánh một số địa phương có hiện tượng cá biển chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Nhận thấy những thông tin trên thu hút được đông đảo sự quan tâm của dư luận nên Hải đã nảy ra ý định đưa tin bài có nội dung tương tự ở biển Cồn Vành.

Bùi Đức Hải bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình triệu tập để
 làm rõ hành vi tung tin đồn thất thiệt - Ảnh: Công an tỉnh Thái Bình

Thực hiện ý định, Hải đã copy 4 hình ảnh về cá, sứa, ngao chết ở bãi biển trên mạng và hình ảnh người phụ nữ ngồi trên bãi biển, phía trước có một con cá chết. Hải dùng máy tính bảng soạn thảo nội dung phản ánh tình trạng cá, sứa, ngao chết hàng loạt dạt vào bãi biển Cồn Vành sau đó ghép 4 ảnh và một bài viết có tít “Hiện tượng cá, sứa, ngao chết bất thường kéo dài nhiều ngày qua đã lan rộng trên bãi biển Cồn Vành trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân".

Trưa 7/5 Hải đã đăng nội dung bài viết cùng hình ảnh trên lên trang web "Thaibinhplus.vn". Thông tin bịa đặt đã gây hoang mang cho dư luận, gây ảnh hưởng không nhỏ đến Khu du lịch Cồn Vành cũng như tình hình sản xuất nuôi trồng thủy hải sản của bà con địa phương. 

Đây không phải lần đầu xuất hiện những thông tin thất thiệt. Các tin đồn không đúng sự thật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều chung một điểm gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội như làm hoang mang dư luận, gây mất ổn định an ninh chính trị - trật tự xã hội, trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn hại kinh tế cho các tổ chức và người dân.

Chúng ta còn nhớ, ngày 7/4, tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, khi ông nội bế cháu gái của mình đi chơi cùng với người bạn đã bị một số người lén quay clip rồi tung lên mạng facebook với lời chú thích "dân bắt giữ hai kẻ bắt cóc trẻ con ở Vạn Điểm - Thường Tín". Lập tức, chỉ trong vài giờ, tin thêu dệt này đã có gần 20.000 lượt xem và gần 100 lượt chia sẻ trên facebook. Trước nguồn thông tin xôn xao trên, Công an xã Vạn Điểm đã khẳng định: không có vụ bắt cóc trẻ em nào vừa xảy ra ở địa bàn như một số trang mạng xã hội đã đưa tin. Người đàn ông trong đoạn clip tên là Nguyễn Văn Tuyến - ông nội của cháu Nguyễn Thị Q. N (3 tuổi)…

Rồi trường hợp của một học sinh ở quận Long Biên, Hà Nội chỉ vì đi học về muộn, sợ bị cha mẹ mắng, đã "bịa" chuyện bị bắt cóc, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Ngày 30/3, Công an quận Long Biên đã xác định không hề có vụ bắt cóc nào, thông tin trên hoàn toàn bịa đặt.

Ngày 8/1, tài khoản facebook “Tùng Lò Gạch” đã đăng lên mạng xã hội vụ bắt cóc trẻ em tại khu vực Trường Mầm non 19-5, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên và thông tin bắt cóc người để lấy nội tạng. Vài ngày sau đó, thông tin này đã có đến gần 3000 lượt chia sẻ và hàng chục ngàn phản hồi, hầu hết đều tỏ ra hết sức lo lắng. Trước những ồn ào từ phía dư luận, cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh làm rõ. Khi được mời lên để lấy lời khai, Tùng cho biết bản thân anh ta tự thu thập thông tin từ các nguồn tin trôi nổi và đưa lên facebook chỉ để …câu like (thích).

Trước đó, cũng có nhiều trường hợp bị xử lý hành chính với các mức phạt khác nhau, chẳng hạn như trường hợp của hai cô gái tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội Facebook liên quan đến việc lan truyền dịch Ebola, vụ tung tin đồn các cô gái bị rạch đùi…

Về nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định, việc tung tin thất thiệt trên các trang mạng là do các đối tượng còn hạn chế về nhận thức pháp luật, lợi dụng các trang mạng để đưa những thông tin bị bóp méo, thông tin dàn dựng sai sự thật nhằm gây chú ý và nhận sự chia sẻ, bình luận của người khác để thỏa mãn cái tôi cá nhân.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Công Hiếu, Văn phòng Luật sư Bảo Lâm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân hoặc giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin sai sự thật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là những hành vi bị cấm quy định tại Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Riêng thông tin thất thiệt cá, ngao chết tại bãi biển Cồn Vành, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Luật sư Hiếu phân tích: Hành vi trên đã gây mất ổn định an ninh trật tự và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Căn cứ theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng...

Thiết nghĩ, việc tung tin thất thiệt, không đúng sự thật là hành vi rất đáng bị xã hội lên án, bởi nó gây ra hệ quả khó lường cho xã hội, nhất là trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay. Hành vi này rất cần cơ quan chức năng có chế tài mạnh để xử lý nghiêm. Nếu hành vi tung tin thất thiệt, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể xử lý bằng pháp luật hình sự, nhằm răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho cộng đồng./.

Trần Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN