Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần chủ động phòng tránh cho học sinh khỏi các nguy cơ bị xâm hại học đường

Thứ Tư, 20/04/2016 20:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ xâm hại học đường nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, từ đó đặt ra vấn đề chính quyền và các cơ quan chức năng cần kịp thời có các biện pháp hữu hiệu để chủ động bảo vệ các em học sinh trước những nguy cơ tiềm ẩn…

Đối tượng Đỗ Văn Nam bị khởi tố để điều tra về hành vi dâm ô trẻ em xảy ra
 ở trường Tiếu học bán trú La Pán Tẩn, Mường Khương (Lào Cai). (Ảnh: Báo Lào Cai).

Một trong những vụ việc xâm hại học đường nghiêm trọng  là vụ việc mới xảy ra gần đây tại trường tiểu học bán trú La Pán Tẩn (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), khi một bảo vệ trường có hành vi xâm hại với rất nhiều học sinh, trong một thời gian dài mà không bị phát hiện. Vụ việc đã gây bức xúc trong đông đảo phụ huynh học sinh và dư luận.

Một vụ việc khác: Ông C.V.D, đang giảng dạy bộ môn tin học tại Trường tiểu học Hưng Bình, thành phố Vinh, Nghệ An, bị phụ huynh và học sinh “tố” vì có hành vi dâm ô nhiều lần với nhiều học sinh nữ.

Tháng 3/2016, một học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang tố cáo bị ông bị ông D.A.T “chỉ bài tập” bằng cách “luồn tay” khi ông T. phụ vợ trong việc dạy thêm. Chuyện "chỉ bài tập" đáng lên án trên đã được học sinh này kể lại với ba mẹ nhưng họ không mấy quan tâm, nên buộc em phải nhờ bạn chụp hình lại rồi tung lên mạng… Các vụ việc tương tự như vậy đang xảy ra ngày càng nhiều, và là một thực trạng rất đáng lên án…

Có một thực tế là sau khi mỗi vụ việc xảy ra, điều đáng buồn là những người phụ trách các cơ sở giáo dục địa phương chưa thực sự nhìn thấy tầm nghiêm trọng của vấn đề. Cụ thể, việc trường THCS Nguyễn Trãi đã ra quyết định kỷ luật thầy T. với mức độ khiển trách trên cơ sở giảng dạy không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín của trường là quá nhẹ, không xử lý vấn đề từ gốc rễ.

Còn ở vụ việc xảy ra ở trường La Pán Tẩn, Mường Khương (Lào Cai), đại diện nhà trường trả lời báo chí đều khá chung chung, không thấy được trách nhiệm của nhà trường khi để  vụ việc diễn ra hàng năm trời mà không bị phát hiện.

Đối với vụ “luồn tay chỉ bài” cho học sinh ở trường Nguyễn Trãi, thành phố Châu Đốc (An Giang), sau khi vụ việc xảy ra, thay vì nhà trường nên lắng nghe các học sinh trình bày, hỏi rõ nguồn cơn trước khi kết luận về vụ việc thì bà hiệu trưởng đã vội vã thanh minh trên báo chí rằng: “Không có đâu em ơi, mạng tung lên tào lao đó”, đồng thời có động thái buộc hai học sinh tố giác tự kiểm điểm và tường trình với lý do chụp hình đăng Facebook lung tung.

Ở khía cạnh liên quan khác, do đặc thù giáo dục ở vùng cao, miền núi, điều kiện đi lại khó khăn, nhà xa trường nên các học sinh thường đem gạo, củi lưu trú ăn ở ngay tại các điểm trường để học tập. Ở đây các em xa nhà, xa cha mẹ, thiếu đi những sự bảo vệ cần thiết nên thường phải đối diện với nguy cơ xấu có thể xảy ra. Điều đó đang đặt ra cho các nhà trường khu vực này phải có ngay các biện pháp bảo vệ cần thiết học sinh của mình trước các nguy cơ bị xâm hại.

Thiết nghĩ, để tránh bị rơi vào tình trạng khi phát hiện các vụ việc thì vào thế “ đã rồi”, nhà trường (đặc biệt ở cấp Tiểu học, Trung học cơ sở) cần thường xuyên quan tâm sâu sát với các em học sinh , lắng nghe ý kiến phản ánh từ học sinh của mình, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những việc xấu có thể xảy ra với các em học sinh, tạo môi trường học đường thực sự an toàn cho các em học tập.. Cạnh đó, Nhà nước ta cần có những chế tài xử lý mạnh tay hơn những đối tượng có hành vi vi phạm đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật nghiêm trọng đối với trẻ em. Về phía gia đình, cần thường xuyên quan tâm con cái nhiều hơn, nhất là những bé gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Chỉ có theo dõi những xáo trộn, thay đổi từng ngày của con mới phát hiện ra những điều bất thường, biết lắng nghe khi con nói lên tiếng nói của mình về các sự việc xảy ra xung quanh./.

Trần Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN