Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần chế tài sử dụng làn đường trên cao tốc

Thứ Năm, 12/10/2023 10:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ở Việt Nam, các quy định, chế tài về việc sử dụng làn đối với các loại phương tiện khác nhau trên đường cao tốc chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Thực trạng này gây ra nhiều vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông hay gây tâm lý ức chế cho người điều khiển phương tiện.

Điều này được TS. Đặng Minh Tân, Trường đại học Giao thông vận tải nêu ra tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 do Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức sáng 12/10.

TS Đặng Minh Tân cho biết, đến cuối năm 2023 dự kiến trên toàn quốc sẽ có tổng số 1.852km đường cao tốc được khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề về quản lý, khai thác vận hành kết hợp với vấn đề ý thức người tham gia giao thông chưa cao, chưa phù hợp với việc tham gia giao thông trên đường cao tốc. Từ đó dẫn đến tình trạng các phương tiện giao thông đi chậm, chiếm làn phía bên trái sát dải phân cách dẫn đến các xe đi nhanh có nhu cầu vượt phải vượt bên phải hoặc hỗn hợp gây ra nhiều xung đột giao thông, gia tăng nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.

TS. Đặng Minh Tân, Trường Đại học Giao thông vận tải phát biểu.

TS Đặng Minh Tân chỉ ra trên thế giới, ở nhiều nước việc sử dụng làn đường của các phương tiện giao thông trên đường cao tốc được quy định và được quản lý rõ ràng. Như ở Mỹ tại hầu hết các bang đều có luật quy định các xe phải giữ làn phải hoặc luật nhường đường yêu cầu các xe phải giữ làn phía bên phải hoặc phải chuyển làn sang phía bên phải để nhường cho xe có nhu cầu vượt từ phía sau. 

Tương tự, ở Đức theo luật giao thông đường bộ cũng quy định các xe phải giữ làn phải. Làn đường bên trái chỉ được sử dụng để vượt, trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ tắc đường, tai nạn). 

Trong khi đó, theo TS Đặng Minh Tân: “Ở Việt Nam, các quy định, chế tài về việc sử dụng làn đối với các loại phương tiện khác nhau trên đường cao tốc chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Không chỉ ở trên đường cao tốc mà trên nhiều tuyến đường ôtô thông thường, hầu hết tài xế đều muốn “chiếm” làn bên trái sát dải phân cách dù đi tốc độ rất chậm".

Ông dẫn chứng kết quả khảo sát, phân tích trên 3 tuyến cao tốc quan trọng, điển hình ở khu vực phía Bắc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Láng - Hòa Lạc và Hà Nội - Thái Nguyên) cho thấy, đa số các phương tiện chọn làn phía trái (làn số 1) với đường có 4 làn xe và làn số 1 và làn số 2 đối với đường có 6 làn xe.

Trong đó, các phương tiện xe tải chỉ có 42,62% chọn làn ngoài cùng bên phải (Số 2) ở đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, 37,15% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 3) ở đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và 28,86% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 3) ở đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Các phương tiện chạy với tốc độ thấp hơn 60km/h chiếm tỷ lệ cao.

"Đặc biệt nhiều phương tiện chạy với tốc độ dưới 40km/h ở làn số 1 khiến cho các xe phải vượt về phía bên phải" - ông nói. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, xe con và xe khách có xu hướng chạy với tốc độ cao hơn ôtô tải, tuy nhiên có nhiều phương tiện xe con vẫn đi với tốc độ rất thấp ở làn số 1. 

Ông nhấn mạnh: "Tình trạng này có thể phát sinh ra những hành động nguy hiểm gây tai nạn giao thông". Đồng thời dẫn chứng một nghiên cứu được thực hiện bởi Quỹ AAA vì An toàn Giao thông Hoa Kỳ cho thấy, gần 80% người lái xe được hỏi ở Hoa Kỳ trả lời rằng 80% người lái xe cho biết họ cảm thấy ức chế, tức giận và hung hăng khi những người lái xe tốc độ thấp bám làn đường bên trái và không nhường đường, và 51% cho biết họ sẽ “cố ý bám đuôi” trong những trường hợp này.

Kiến nghị một số giải pháp, ông đề nghị cần phát triển các quy định pháp luật, các giải pháp quản lý, kỹ thuật và chế tài về việc sử dụng làn đường trên hệ thống đường cao tốc Việt Nam để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng làn đường cao tốc, góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. 

Trước mắt, theo ông, với tuyến đường cao tốc có 6 làn xe có thể nghiên cứu triển khai phương án tổ chức giao thông với xe tải chỉ được đi ở làn số 2 và làn số 3. Đồng thời tăng cường sử dụng một số giải pháp sử dụng biển báo khuyến khích các phương tiện đi chậm đi về bên phải và nhường đường cho xe vượt. 

Ngoài ra, ông cho rằng, cần phát triển giải pháp, ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh để quản lý, điều hành tổng thể đường cao tốc nói chung và giám sát vấn đề về tốc độ và sử dụng làn đường nói riêng. 

Hơn nữa cần coi trọng vấn đề tuyên truyền, tăng cường các giải pháp đào tạo người lái xe nhận thức về việc sử dụng làn đường khi tham gia giao thông nói chung và đường cao tốc nói riêng.

Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam là hội nghị được tổ chức 2 năm một lần của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia tham gia nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 đã thu hút được gần 160 chuyên gia, nhà khoa học tham gia với 76 bài báo khoa học về ATGT trong tất cả 5 lĩnh vực đường bộ, sắt, thủy nội địa, hàng hải và hàng không. 

 Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu.

Chất lượng các bài báo khoa học tại Hội nghị được Hội đồng chuyên môn và các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý đánh giá cao; nhiều giải pháp đưa ra có tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng vào giao thông ở Việt Nam như: “Trí tuệ nhân tạo cách mạng hoá công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông”; “Vấn đề sử dụng làn ở một số tuyến đường cao tốc khu vực phía bắc và đề xuất nâng cao hiệu quả tổ chức, an toàn giao thông”; “Các hành vi nguy cơ cao dẫn đến TNGT trong học sinh, sinh viên: tiếp cận từ lý thuyết hành vi”; “Kinh nghiệm giảm thiểu tỷ lệ tử vong của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tại Châu Âu. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”…

Trước đó, các phiên thảo luận chuyên đề của Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trong 02 ngày 28-29/9/2023 trên toàn quốc với 57 chủ đề liên quan đến công tác quản lý an toàn giao thông, hạ tầng và tổ chức giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông, an toàn giao thông đường sắt, an toàn giao thông đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và kinh nghiệm quốc tế về an toàn giao thông./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN