Cần chấm dứt tình trạng lấn chiếm sân chung tại các khu tập thể
(ĐCSVN) - Hiện nay, tại một số khu chung cư cũ, khu tập thể tồn tại thực trạng bị lấn chiếm diện tích sân chung để buôn bán, họp chợ, kinh doanh, trông giữ xe, nhưng việc xử lý, giải quyết những hiện tượng trên của chính quyền và cơ quan chức năng các cấp còn gặp rất nhiều khó khăn
Toàn bộ phần sân chung của khu tập thể đã bị lấn chiếm hết. Ảnh VH
Những khu tập thể cũ tại Hà Nội như: Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ, Văn Chương, Bách Khoa... được xây dựng từ những năm 1970 – 1980 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhằm phục vụ cán bộ, công nhân viên và nhân dân của thành phố Hà Nội. Nhằm tạo không gian và khu sinh hoạt chung cho các hộ gia đình sống tại đây, mỗi khu nhà, người ta dành ra một khoảng sân chung khá rộng rãi, trồng các loại cây để tạo bóng mát. Nơi đây được coi như khoảng không gian chung, là nơi vui chơi của trẻ em và cũng là nơi tập thể dục của người lớn mỗi sáng sớm…
Tuy nhiên hiện nay, tại khu tập thể Thành Công, người ta không còn nhận ra ở đây trước kia đã từng tồn tại một khoảng sân chung của các dãy nhà. Tại khu nhà E, chúng tôi có mặt và chứng kiến một dãy dài các hàng “quà sáng” chạy dọc theo chiều dài của khoảng sân chung, mỗi hàng tại đây bày la liệt khoảng chục chiếc ghế nhựa để cho khách ngồi ăn quà. Phía đầu góc của khoảng sân, bị án ngữ bởi một cửa hàng bán cháo lòng. Tại đây, người ta kê bàn ghế thành hai dãy ngay ngắn, căng cả bạt che mưa, nắng cho khách hàng ngồi ăn. Thực khách đến ăn tại đây được nhà hàng “hướng dẫn” để xe thành hàng dọc, ngay dưới lòng đường đi chung. Con đường nội bộ quanh các khu tập thể đã nhỏ hẹp, nay càng hẹp hơn nữa.
Không chỉ buổi sáng mà cả buổi trưa, tại những khoảng “không gian chung” này tấp nập các hàng cơm “bụi”, hàng bún chả và những hàng bia hơi. Quần thể hàng quán tại đây án ngữ hầu hết các khoảng sân, gây khó khăn cho việc đi lại. Chị Hoàng An - Nhà khu E tập thể Thành Công tâm sự: “Khu sân chung hiện nay ngổn ngang hàng quá và xe cộ như vậy, mà trong nhà chúng tôi thì chật hẹp, nên chúng tôi không biết cho các cháu chơi ở đâu nữa.”
Anh Nguyễn Văn Nam - một cư dân tại khu H tập thể Thành Công cho biết: Việc lấn chiếm khoảng không gian chung để sử dụng kinh doanh, trông xe có từ nhiều năm nay. Tổ dân phố, chính quyền phường đã nhiều lần họp, yêu cầu, thậm chí cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm trả lại mặt bằng chung cho khu dân cư, thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, các hoạt động buôn bán và kinh doanh lại tiếp tục diễn ra, có quy mô và bành trướng hơn cả lúc trước.
Anh Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn ra chính quyền địa phương, yêu cầu có những biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng này, để trả lại khoảng sân chung cho trẻ em vui chơi. Mặc dù phía chính quyền đã nhận đơn, nhưng tình trạng này cho đến nay vẫn không hề chấm dứt”.
Khu tập thể Thành Công, chỉ là một điển hình trong việc lấn chiếm khoảng không gian chung để phục vụ lợi ích kinh doanh của một số hộ gia đình. Tại nhiều khu tập thể nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, tình trạng lấn chiếm, xà xẻo diện tích chung ngày càng đáng báo động. Điều đáng lưu ý, hiện tượng này không phải là mới và diễn ra hàng ngày với mức độ gia tăng nhanh cả về số lượng và mức độ vi phạm.
Trong khi sân chơi trẻ em ngày càng thiếu thốn, thì những khoảng không gian ít ỏi còn lại tại những khu tập thể này vẫn bị “xà xẻo” làm nơi kinh doanh, trông xe và bán hàng. Khu tập thể Trung Tự, lâu nay tại đây nổi tiếng là một khu phố game đối với các bạn trẻ sống tại Hà Nội. Buổi sáng sớm chúng tôi có mặt tại đây, quan sát thấy, mặc dù chỉ cách chợ A12 khoảng 50m, nhưng các gánh hàng rau, hàng cá, hàng thịt vẫn được bày bán la liệt khắp dọc đường đi và bên trong khoảng sân chung của các dãy nhà A9 - A7. Các căn hộ tầng một tại đây đa phần là kinh doanh quán Game Internet, sau buổi trưa, hầu hết các quán game tại đây đều kín khách. Chủ các quán hàng tại đây thầu luôn cả dịch vụ trông giữ xe cho khách. Toàn bộ lòng sân khu tập thể được xếp bốn, năm hàng xe máy của cả hai dãy nhà hai bên, khoảng sân còn lại nằm giữa hai hàng xe máy giờ chỉ còn vẻn vẹn khoảng 1,2m, vừa đủ cho một xe máy đi qua.
Bà Hoàng Thị Mùi, cư dân sống tại tầng 2 của khu tập thể tại đây phản ánh: Trước đây khoảng sân này rất thoáng mát, có bóng cây và cả ghế ngồi. Ngày nghỉ và các buổi chiều, người dân nơi đây thường cho trẻ em xuống sân vui chơi, người lớn thì ngồi đọc báo, chuyện trò. Từ khi các căn hộ tầng một tại đây kinh doanh cửa hàng Game Internet thì hầu hết khoảng sân chung tại đây bị chiếm dụng để phục vụ cho các quán hàng. Ngoài chuyện lấn chiếm sân chung, các điểm kinh doanh mặt hàng này kéo theo sự ồn ào, mất trật tự bởi tiếng hò hét huyên náo của khách chơi game. Đôi khi tận 11h đêm, khách hàng tại đây vẫn rất đông, gây ra sự ồn ào, mất trật tự, rất ảnh hưởng tới đời sống của cư dân tại đây.
Bà Mùi chia sẻ: “Thiếu sân chơi đã là sự thiệt thòi rất lớn cho các cháu. Nhưng việc các cháu nhỏ bị cuốn hút bởi những trò chơi game thì còn nguy hiểm hơn. Tôi mong các cấp chính quyền lưu tâm hơn đến vấn đề này...”
Thiếu sân chơi, không gian chung là thiệt thòi lớn đối với thế hệ tương lai của đất nước. Trẻ em xứng đáng được ưu tiên, được hưởng những khu vui chơi, giải trí để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Hơn nữa, Thủ đô Hà Nội - trung tâm văn hóa của cả nước lại thiếu chỗ vui chơi là một thực tế đáng phải suy nghĩ.
Người dân mong mỏi, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội nghiêm túc rà soát để cải tạo, bổ sung, đồng thời kiên quyết giải tỏa những vườn hoa, sân chơi tập thể đang bị lấn chiếm, trả lại không gian sinh hoạt lành mạnh cho người dân./.
Vũ Hoàng