Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cán bộ trẻ và trẻ hóa cán bộ lãnh đạo, quản lý ​

Thứ Sáu, 23/03/2018 20:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, tiềm năng trí tuệ của cán bộ trẻ. Người căn dặn: “Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ... Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm” (1).


Một lớp đào tạo cán bộ nguồn tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. 
(Ảnh: Viết Thành/hanoimoi.com.vn)

Thấm nhuần quan điểm ấy, trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều biện pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đặc biệt, những năm gần đây, Đảng đã triển khai chủ trương luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ trẻ tiếp cận với thực tiễn cuộc sống, làm quen dần với kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Nhiều cán bộ trẻ sau một thời gian luân chuyển đã trưởng thành rõ rệt, vững vàng với cương vị được giao. Tỷ lệ cấp ủy viên trẻ (dưới 40 tuổi) của các tỉnh, thành phố trong cả nước nhiệm kỳ 2015 - 2020 cao hơn khóa trước gần 2,54%, trong đó có 18  Ủy viên Thường vụ, 1 Phó Bí thư và 2 Bí thư (2). Tại nhiều địa phương và bộ, ngành đã xuất hiện những cán bộ lãnh đạo tuổi còn rất trẻ nhưng năng động quyết đoán, nói đi đôi với làm, xông xáo, đột phá; giải quyết hiệu quả những việc khó, những “vấn đề nóng”, “điểm nóng”, “nhạy cảm” tại địa phương, đơn vị. 

Cán bộ trẻ thì sức khỏe dồi dào, xông xáo đi cơ sở, bám ruộng, lội đồng, thức trắng đêm chống lụt, chống bão, không nề hà trước khó khăn, thách thức; ham học hỏi, giàu nhiệt huyết, nhiều khát vọng, hoài bão và chí tiến thủ… nhưng cán bộ trẻ cũng dễ bộc lộ những non nớt và khiếm khuyết, nhất là những cán bộ “bị chín ép”. Một số địa phương có hiện tượng ưu ái, vun vén và “nâng đỡ không trong sáng” đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, kết luận và thi hành kỷ luật những cán bộ có liên quan; thậm chí có cán bộ trẻ “chín ép” nên đã gây ra tai tiếng, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng suy giảm niềm tin vào chủ trương “trẻ hóa” cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bài học đau xót về công tác cán bộ là vừa qua một trong hai Bí thư tỉnh, thành ủy trẻ nhất (độ tuổi dưới 40), đã bị kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng và bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐND thành phố. Trong khoảng thời gian ngắn, mặc dù chưa thể hiện tài năng, chưa có dấu ấn gì rõ rệt ở những vị trí công tác được giao, nhưng liên tục được cất nhắc vào những chức vụ quan trọng, chức sau cao hơn chức trước, nên chủ quan, tự mãn, nói không đi đôi với làm, sa vào cám dỗ vật chất, khai khống bằng cấp... Những việc làm đó đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.

Chủ trương trẻ hóa cán bộ của Đảng và Nhà nước là chủ trương hết sức đúng đắn và thực sự đã đem lại hiệu quả cụ thể. Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương này, đòi hỏi cần tuân thủ các quy trình về bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo cán bộ được bổ nhiệm phải hội tụ đủ đức, đủ tài, vừa hồng, vừa chuyên. Những cán bộ trẻ đã được tín nhiệm, giữ cương vị lãnh đạo, quản lý phải tự rèn luyện mình, đảm bảo năng lực và phẩm chất tương xứng với nhiệm vụ được giao; cần vượt lên chính mình, trau dồi bản lĩnh chính trị, đủ sức đề kháng, miễn nhiễm mọi cám dỗ của danh vọng, quyền lực và vật chất.

Mặt khác, một yếu tố rất quan trọng là cấp ủy địa phương, đơn vị cần tạo môi trường lành mạnh để cán bộ thực hành trách nhiệm. Cần tạo điều kiện để cán bộ trẻ được rèn luyện, thử thách trong hoạt động thực tiễn, phù hợp với kiến thức, năng lực, bố trí chức vụ từ thấp đến cao, không nên “đi tắt, đón đầu”. Khi chưa có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng lãnh đạo, quản lý dứt khoát không bố trí vào cương vị người đứng đầu, làm cho người được giao nhiệm vụ vừa khó khăn, lúng túng trong điều hành, vừa làm suy giảm uy tín đối với người đồng cấp và người dưới quyền.

Cất nhắc cán bộ trẻ cần dựa vào tài năng, đức độ thực sự của cán bộ, không để bị chi phối bởi các mối quan hệ mà xa rời tiêu chuẩn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, chân thành góp ý, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, giúp cán bộ trẻ nhận ra lỗi lầm để tự sửa chữa, tiếp tục rèn luyện.

Tâm sự với một số cán bộ trẻ làm lãnh đạo, quản lý, các cán bộ đều có chung mong muốn là các thế hệ cán bộ cao tuổi đã kinh qua lãnh đạo, quản lý nhìn nhận cán bộ trẻ trong xu thế phát triển. Không nên coi cán bộ trẻ đều thua kém mình khiến không ít cán bộ trẻ có trình độ, năng lực bị mất đi cơ hội rèn luyện, phát triển. Bên cạnh đó, cần phải khắc phục tình trạng trì níu nhau, ganh tỵ, dàn hàng ngang cùng tiến… trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đương chức, gây khó khăn trong chuẩn bị cán bộ kế cận và hụt hẫng khi chuyển tiếp đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, gặp mặt giữa các thế hệ lãnh đạo, quản lý để trao truyền, kế thừa kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo quản lý cũng là mong muốn chính đáng của nhiều cán bộ trẻ./.

-----------------

(1) - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2002, tập 12, trang 211.

(2) - Tổng hợp của Ban Tổ chức Trung ương, ngày 3/11/2015 (theo Báo Chính phủ).

Hồng Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN