Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cán bộ phải có tâm tốt, hành động hiệu quả

Thứ Tư, 31/08/2022 15:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực hiện quy định của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã tiến hành các bước về công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 và 2026 - 2031.

 Lãnh đạo các đơn vị của tỉnh Đồng Nai bỏ phiếu giới thiệu quy hoạch các chức danh lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 và 2026 - 2031. (Ảnh: K.Lộc)

Qua công tác quy hoạch cán bộ nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín và có triển vọng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai Đặng Minh Nguyệt cho biết, theo Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27-12-2021 của Bộ Chính trị, hệ số quy hoạch Ban chấp hành và Ban TVTU từ 1-1,5 lần so với số lượng theo quy định. Mỗi chức danh quy hoạch không quá 3 người và 1 người quy hoạch không quá 3 chức danh ở cùng cấp.

Căn cứ quy định trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã tiến hành quy hoạch từng chức danh cụ thể như, đối với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, số lượng ủy viên của nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được Bộ Chính trị phê duyệt là 54 đồng chí, vì vậy số lượng cán bộ đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030 từ 54 - 81 đồng chí.

Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, số lượng ủy viên nhiệm kỳ này đã được Bộ Chính trị phê duyệt là 16 đồng chí, vì vậy cán bộ được đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp từ 16 - 24 đồng chí.

Đối với các chức danh lãnh đạo của tỉnh, có 3 đồng chí đưa vào quy hoạch chức danh Bí thư Tỉnh ủy; 9 đồng chí đưa vào quy hoạch chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy; 3 đồng chí đưa vào quy hoạch chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh; 3 đồng chí đưa vào quy hoạch chức danh Chủ tịch UBND tỉnh; 3 đồng chí đưa vào quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; 12 đồng chí đưa vào quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 3 đồng chí đưa vào quy hoạch chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và 3 đồng chí đưa vào quy hoạch chức danh Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Đáp ứng đúng tiêu chuẩn, điều kiện

Cũng theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai Đặng Minh Nguyệt, đội ngũ cán bộ được giới thiệu quy hoạch vào các chức danh nói trên cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đồng Nai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành rà soát quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 2021 - 2026. Theo đó, đưa ra khỏi quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với 1 đồng chí đã chuyển công tác ra ngoài Đảng bộ tỉnh; đưa ra khỏi quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với 1 đồng chí đã chuyển công tác ra ngoài Đảng bộ tỉnh; đưa ra khỏi quy hoạch chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy đối với 1 đồng chí do chức vụ hiện nay không phù hợp; đưa ra khỏi quy hoạch chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh đối với 1 đồng chí do không là đại biểu HĐND tỉnh; đưa ra khỏi quy hoạch chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đối với 2 đồng chí do không là đại biểu Quốc hội và đưa ra khỏi quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với 2 đồng chí do đã chuyển công tác ra ngoài Đảng bộ tỉnh (1 trường hợp) và đang bị tạm giam, đã bị đình chỉ chức vụ (1 trường hợp).

Cán bộ phải trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào. Có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân và của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức; có ý thức học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực công tác.

Cán bộ phải là những người có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, chấp hành nghiêm quy định của Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Không tham vọng quyền lực; không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi. Cán bộ phải có tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp; tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm.

Khi được giới thiệu vào quy hoạch, cán bộ phải có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cao cấp; được bồi dưỡng quản lý nhà nước (trừ cán bộ khối lực lượng vũ trang, viện kiểm sát, tòa án và doanh nghiệp); trình độ tin học và ngoại ngữ phù hợp. Có tư duy đổi mới, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo. Có khả năng phát hiện những thách thức, thời cơ, thuận lợi, vấn đề mới và khó trong thực tiễn để mạnh dạn đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn hoặc thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Ngoài quy định chung về tiêu chuẩn như trên, cán bộ được giới thiệu quy hoạch chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh phải là những người có triển vọng phát triển, tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và năng lực công tác, có uy tín cao, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện được quy định tại Quy định 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.

Quy hoạch là khâu quan trọng

Tại hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nêu rõ, quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng của công tác cán bộ. Nếu quy hoạch một cán bộ có tài mà không chính trực thì tài đó không sử dụng được. Do đó, người chính trực luôn được trọng dụng và cái tâm, phẩm chất của cán bộ là quan trọng, phải được đề cao.

Theo Thường trực Tỉnh ủy, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh được tiến hành theo phương châm “động” và “mở”. Theo đó, hằng năm và cuối nhiệm kỳ, qua kiểm điểm, nhận xét đánh giá cán bộ, các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch ở cấp mình, đưa nhân tố mới vào quy hoạch, đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ suy giảm ý chí phấn đấu, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Cán bộ được quy hoạch phải thực sự có phẩm chất chính trị, tâm huyết, trí tuệ, có tầm nhìn và biết đoàn kết lực lượng để phát huy trí tuệ tập thể, xứng đáng làm người lãnh đạo của địa phương.

Các cấp ủy phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngay từ lúc còn trẻ. Cán bộ từ lúc trẻ tuổi mà tâm tốt, biết vì cái chung, biết lo lắng cho nhân dân thì rất xứng đáng để quy hoạch làm lãnh đạo tương lai. Còn nếu trẻ mà đã sớm bộc lộ lợi ích cá nhân thì phải xem lại. Do đó, một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong công tác cán bộ là chọn những người thực tâm, có phẩm chất tốt, phụng sự nhân dân, phục vụ xã hội.

Những cán bộ có tâm tốt, hành động hiệu quả thì mới quy hoạch. Những người làm chưa tốt, tiếp tục phấn đấu làm cho tốt, tránh tình trạng người làm chưa tốt mà lại quy hoạch, người làm tốt thì không được quy hoạch, như vậy sẽ mất động lực của đội ngũ cán bộ. Bởi thế, khi làm công tác cán bộ phải tạo động lực cho cán bộ. Muốn tạo động lực cho cán bộ, quan trọng nhất là phải công bằng trong công tác cán bộ. Nghĩa là người làm tốt phải được quy hoạch và ai đã làm tốt rồi thì động viên người ta làm tốt hơn nữa./.

Phương Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN