Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng

Thứ Năm, 10/11/2022 20:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) chỉ ra thực tế thời gian qua, thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích ban đầu, đang là vấn nạn hiện nay.

Chiều 10/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tạo điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Bích Ngọc  (Đoàn Hòa Bình) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử. 

Theo đại biểu, để luật đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng thì cần quy định cụ thể, chi tiết các nội dung trong dự thảo luật, tạo điều kiện tốt nhất để người tiêu dùng biết và có thể dễ dàng được bảo vệ quyền lợi trong quá trình tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa...

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) chỉ ra trên thực tế, thời gian qua, thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau, vấn đề thu thập thông tin ban đầu là chính sách nhưng sử dụng thông tin không đúng mục đích ban đầu đang là vấn nạn hiện nay. 

“Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn những chế tài để bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng, vì vậy dự thảo Luật cũng cần bổ sung các quy định nhằm điều chỉnh vấn đề này để nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng”, đại biểu đề xuất.

 Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) . Ảnh: QH.

Dẫn quy định tại khoản 3 Điều 12 của dự thảo Luật: “Trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dung”, đại biểu đề nghị cần làm rõ cơ quan chức năng nêu trên là cơ quan nào, để đảm bảo tính khả thi khi triển khai trên thực tế.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, thể hiện cụ thể các nội dung về chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ người tiêu dùng, phát huy đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm quy định của pháp luật, nâng cao đạo đức kinh doanh, văn hóa tiêu dùng. 

Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bổ sung quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm và phối hợp thật rành mạch, rõ ràng giữa các cơ quan có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quy rõ các biện pháp đặc thù bảo vệ quyền lợi với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc dự thảo Luật lần này đã xác định và cần phải bảo vệ quyền lợi cho đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương là hết sức cần thiết và mang tính nhân văn. Tuy nhiên, chính sách, cách thức cụ thể để bảo vệ như thế nào đối với nhóm đối tượng này thì dự thảo luật vẫn chưa thể hiện rõ. Nếu không quy định rõ thì khó có tính khả thi trong áp dụng thực tiễn.

Theo đại biểu, đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương là đối tượng yếu. Do đó, Ban soạn thảo cần phải quy định rõ chính sách riêng, cụ thể khi các đối tượng này bị xâm phạm về quyền lợi, để đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang), thực tế, ngoài sự bất lợi cho sức khỏe, tài sản, người tiêu còn dễ bị tổn thương, có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác như bất lợi về danh dự, bất lợi về tinh thần. Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, bổ sung đầy đủ, bảo đảm bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu ngoài sức bất lợi về sức khỏe và bất lợi về tài sản hoặc sửa lại quy định trên để có khái niệm một cách bao quát như sau: Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Đồng thời, cần có quy định về các biện pháp có tính đặc thù nhằm bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cũng như những biện pháp bảo vệ quyền lợi đối với những đối tượng này./.

 

 

 

 

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN