Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam
(ĐCSVN) - Để kiểm soát tốt bệnh trên động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), cần có sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các đối tác quốc tế và đặc biệt là người chăn nuôi lợn. Trong đó, những nghiên cứu về bệnh DTLCP trong thực tiễn sẽ được tổng hợp, phân tích và đề xuất với cấp có thẩm quyền để ban hành những chính sách phù hợp với tình hình thực tế.
Thực tế, ngành chăn nuôi là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp quan trọng cho sinh kế nông thôn và an ninh lương thực. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là từ các bệnh dịch trên động vật như DTLCP. Theo thống kê, hiện nay tổng đàn lợn tại nước ta trên 30 triệu con, lớn thứ 6 trên thế giới, thịt lợn cũng chiếm đa số trong khẩu phần ăn của người Việt.
DTLCP - một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phân loại là dịch bệnh theo Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT. Mặc dù DTLCP không lây truyền sang người nhưng sự lây lan nhanh chóng của bệnh có thể hủy diệt đàn lợn, gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và đe dọa đến ngành nông nghiệp nói chung.
Việt Nam tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên động vậy, nhất là DTLCP (Ảnh: HNV) |
Trước những thách thức do DTLCP gây ra, Cục Thú y, Viện Thú y và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) đã thực hiện một số nghiên cứu và dự án tại Việt Nam. Nhận thấy nhu cầu cấp thiết về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Cục Thú y, Viện Thú y và ILRI phối hợp đồng tổ chức hội thảo "Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam" được tổ chức trong 2 ngày 17-18/10 năm 2024 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Hội thảo nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và chính sách, tập trung chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan đến phòng, chống DTLCP cả trong và ngoài nước. Các diễn giả đã trình bày về nhiều chủ đề, bao gồm tổng quan tình hình DTLCP hiện nay tại Việt Nam, các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong kiểm soát dịch bệnh, tiến bộ trong phát triển vắc-xin và những câu chuyện thành công từ các bên liên quan trong ngành chăn nuôi.
Hội thảo "Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam" (Ảnh: PV) |
Được biết, ngay từ khi phát hiện ổ dịch DTLCP đầu tiên vào tháng 2/2019, Cục Thú y đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật để phòng, chống DTLCP; đặc biệt tham mưu Bộ trình Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020 - 2025 và hiện nay đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có bệnh DTLCP.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế, Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các giải pháp kiểm soát DTLCP; nổi bật nhất là Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công 02 loại vắc xin thương mại phòng bệnh DTLCP của Công ty NAVETCO và Công ty AVAC, những vắc xin này đang được sử dụng tại Việt Nam và xuất khẩu tại một số quốc gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất về phòng chống và kiểm soát DTLCP tại Việt Nam và toàn cầu, cập nhật kết quả nghiên cứu vắc xin và miễn dịch DTLCP; thảo luận và xác định cách thức để tăng cường mối liên kết giữa nghiên cứu và chính sách, đảm bảo rằng các bằng chứng khoa học trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định chính sách; đề xuất và thảo luận các khuyến nghị có thể được tích hợp vào Kế hoạch Quốc gia về phòng chống DTLCP sắp tới, nhằm nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát DTLCP của Việt Nam trong tương lai.
Dịp này, Hội thảo xây dựng một số khuyến nghị hành động cho Kế hoạch Quốc gia về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2026 - 2030. Các đại biểu đã chỉ ra sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác công - tư để nâng cao hiệu quả của các chiến lược ứng phó DTLCP. Sự hợp tác này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp bằng chứng khoa học vào quá trình hoạch định chính sách, đảm bảo rằng các kết quả nghiên cứu mới nhất sẽ hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách./.