Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cải cách tiền lương phải đi đôi tinh giản biên chế

Thứ Sáu, 11/05/2018 15:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tinh giản biên chế để bộ máy Nhà nước ở các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn liền với cải cách tiền lương không phải là vấn đề mới nhưng được dư luận xã hội rất quan tâm, nhất là trong những ngày gần đây khi Hội nghị Trung ương 7 đề cập đến vấn đề này. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn cải cách tiền lương không còn cách nào khác là phải gắn chặt với tinh giản biên chế.

Theo nhiều chuyên gia, hiện việc trả lương lại không theo vị trí công việc, không đúng giá trị sức lao động,
 đóng góp của người lao động bỏ ra. (Ảnh minh họa: TH)

Ngáng trở lớn nhất?

“Tinh giản biên chế” là cụm từ được nói đi nói lại quá nhiều, và đây cũng là yếu tốt cốt lõi để thực hiện cải cách hành chính hiệu quả. Tuy nhiên, qua một thời gian dài thực hiện nhưng vẫn chưa mang lại kết qủa tích cực cho bộ máy hành chính nhà nước. Và ai cũng hiểu, với bộ máy hiện nay, không ngân sách nào có thể gánh nổi. Đặc biệt, đối với cách trả lương như hiện tại thì vẫn chưa đảm bảo công bằng. Cán bộ công chức chưa đủ sống bằng lương và quan trọng hơn là việc trả lương lại không theo vị trí công việc, không đúng giá trị sức lao động, đóng góp của người lao động bỏ ra.

Điều đáng nói là lâu nay, nhiều người, nhiều ý kiến đã nhắc đến con số ước lượng 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” nhưng không thể xử lý được “lực lượng” này. Trong khi đó có một hình tượng rất buồn mà nhiều người đã đề cập đến, đó là bộ máy “phình to” thì đất nước “thu nhỏ”. Nhỏ đó là nghèo, là lạc hậu. Vì có 30% công chức cắp ô cho nên không thể tăng lương, tinh gọn bộ máy. Vì vậy, nhiều người mong rằng, công cuộc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy sớm loại bỏ những công chức, viên chức yếu kém như vậy ra khỏi bộ máy để lấy tiền đó trả lương cho những người làm việc thực sự.

Nói thì đơn giản như vậy nhưng thực thi lại là việc vô cùng khó. Nhiều năm nay, chúng ta tiến hành tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhưng chưa có hiệu quả. Tính riêng năm 2017, theo Bộ Nội vụ, mặc dù có rất nhiều cố gắng, nhưng đến cuối năm mới thực hiện tinh giản biên chế được 33.459 người. Và Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc giải quyết tinh giản biên chế chủ yếu theo nguyện vọng cá nhân, chưa thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu và căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức...

Chưa lâu, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, trong quá trình thực hiện chức năng, cơ quan này cũng đã phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế tại các cơ quan năm 2017 và đã có kiến nghị chấn chỉnh siết chặt công tác quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến vào dự thảo “Nghị định (NĐ) quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” theo hướng hợp nhất để giảm đầu mối cấp sở, ngành (thay thế NĐ 24/2014/NĐ-CP).

Tại Hội nghị Trung ương 7 đang diễn ra, vấn đề cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp làm “nóng” nghị trường và cả xã hội. Thế nhưng, mỗi lần bàn đến tăng lương, cải cách tiền lương thì ngáng trở lớn nhất là “tiền đâu?” Vậy nên, tại Hội nghị, Trung ương không đề cập cụ thể đến vấn đề tinh giản biên chế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, muốn thực hiện được vấn đề cải cách tiền lương thì phải tinh giản được biên chế. Đây là hai vấn đề có quan hệ gắn bó mật thiết và không tách rời nhau trong điều kiện, khuôn khổ của nước ta hiện nay.

Bởi tinh giản biên chế không chỉ là giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức mà còn để kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức bộ máy. Mục tiêu của tinh giản biên chế không đơn thuần chỉ là “cắt” cơ học về lượng, mà phải đi vào yếu tố cốt yếu nâng cao “chất”. Quản lý biên chế theo hướng tinh gọn phải đi đôi với nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nếu người dân làm được thì giao cho người dân

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chỉ ra rằng, hiện cơ chế quản lý tiền lương chưa có giải pháp hữu hiệu để gắn tiền lương với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chậm thực hiện đổi mới tổ chức và quản lý, cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhiều lần nêu lên, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động. Do đó, các giá trị xã hội của công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất để tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển. Ông Phúc cũng cho rằng, việc thiết kế hệ thống bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương ngày càng tỏ ra bất cập, mâu thuẫn, không phản ánh vị trí việc làm của người cán bộ, công chức…

Vậy để sớm triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được Hội nghị Trung ương 7 bàn thảo, một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện tăng trưởng kinh tế còn thấp, thu ngân sách nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở phải gắn liền với tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công việc; tăng tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm dần sự phụ thuộc vào NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Làm việc với một số bộ, ngành và trả lời báo chí, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phải đi đôi với tinh giản biên chế trong khối hành chính và sự nghiệp công lập, trong đó tinh giản biên chế phải được thực hiện trước một bước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, cải cách tiền lương
và bảo hiểm xã hội phải đi đôi với tinh giản biên chế. (Ảnh:TH)

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, muốn cải cách tiền lương, đầu tiên là phải cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm tối đa những dịch vụ công mà lâu nay vẫn phải trả lương từ ngân sách. “Dịch vụ công phải chuyển sang trả theo kết quả đầu ra và Nhà nước khoán, không nhất thiết phải Nhà nước làm. Y tế, giáo dục... nếu người dân làm được thì giao cho người dân. Phải giảm biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách” – ông Lợi nói.

Cùng với đó, theo ông Lợi, là phải nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở xây dựng được các vị trí việc làm, bố trí đúng người đúng việc. Bản chất của việc điều chỉnh tăng lương công chức, viên chức là phải tinh giản bộ máy để sắp xếp đúng người đúng việc.

“Nếu làm được điều này sẽ có một chính sách tiền lương minh bạch, đáp ứng nhu cầu sống của người làm công ăn lương, nâng cao năng lực, hiệu suất phục vụ nhân dân. Đặc biệt là sẽ góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, chạy chức chạy quyền” – Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nêu lên, biên chế cứ tăng mà trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp thì làm sao mà tăng lương nổi. Do đó, muốn cải cách tiền lương sẽ phải đi đôi với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước. Tiếp đó là chúng ta đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, những lần trước, chúng ta gặp khó khăn về nguồn kinh phí, nhưng lần này có những giải pháp để có nguồn như mức tăng thu từ ngân sách nhà nước ở địa phương thì để lại ít nhất 50%. “Cùng việc tinh giản biên chế và nguồn tăng thu dành ít nhất 50% thì giải quyết được ít nhất về số lượng con người và giải quyết được cả về khoản tiền. Tiền dùng cho cải cách năm nay không hết thì tiếp tục dùng cho năm sau để cải cách”.

Đề cập đến dự thảo “Nghị định quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương” theo hướng hợp nhất để giảm đầu mối cấp sở, ngành”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nêu lên: “Có thể thấy việc sắp xếp sở, ngành lần này sẽ góp phần giải quyết, hạn chế sự chồng lấn của một số lĩnh vực trong quá trình làm việc. Song mục tiêu mới dừng ở đó, chứ chưa quan tâm đầy đủ đến Nhà nước kiến tạo, phát triển - được hiểu là nhà nước nhỏ - xã hội lớn: Nhà nước chỉ quản lý, làm những việc mà xã hội, tư nhân không làm được; chỉ “lái thuyền” đúng hướng, nhanh đến đích, còn “chèo thuyền” phải do toàn dân. Ý tôi là cần rà soát, chuyển giao nhanh những nhiệm vụ mà Nhà nước làm không hiệu quả cho khu vực tư nhân và tổ chức xã hội, đoàn thể, từ đó mới góp phần tinh giản bộ máy, đội ngũ”.

Từ ý kiến của các chuyên gia, chúng ta có thể thấy rằng, để giải quyết vấn đề nguồn cho cải cách tiền lương thì phải đổi mới tư duy về nguồn lực con người. Và như vậy sẽ là vô nghĩa nếu cải cách chính sách tiền lương không gắn liền với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tăng cường quản lý cán bộ, công chức và viên chức,…vì lúc đó sẽ như “muối bỏ biển” mà thôi…/.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN