Các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng: Nguyên nhân cũ, hậu quả lớn
(ĐCSVN) - Các vụ hỏa hoạn gây chết người vừa qua tại Hà Nội đều có nguyên nhân không hề mới, song hậu quả lại đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng, xem ra nhiều người vẫn coi thường nguy cơ gây chết người luôn rình rập.
Vụ hỏa hoạn làm 8 người chết tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Ảnh: kinhtedothi.vn.
Thời gian gần đây, tại Hà Nội, đã liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn làm chết nhiều người: Vụ hỏa hoạn làm 8 người chết vừa xảy ra tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức làm bàng hoàng dư luận; vụ cháy tại ngõ 205 phố Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm cướp đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình. Vụ cháy tại ngõ 41 phố Vọng làm 2 người chết đã khiến dư luận xót xa…
Nhìn lại các vụ cháy, dễ dàng nhận thấy điểm chung nhất, đó là các nhà xưởng, nhà ở xảy ra cháy đều được chủ nhà lắp đặt lồng sắt, bịt kín mặt tiền của các ngôi nhà, chặn hết các phương án thoát nạn khẩn cấp. Khi xảy ra hỏa hoạn, căn nhà như chiếc lồng kiên cố nhốt các nạn nhân trong đó để… chờ chết. Lực lượng cứu hỏa và người dân dù đã rất cố gắng tìm cách giải cứu, nhưng đành bất lực.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân xác định của nhiều vụ cháy bắt nguồn từ sự bất cẩn, thiếu ý thức chấp hành các quy định trong phòng chống cháy nổ. Nhiều chủ cơ sở sản xuất còn thờ ơ với việc trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy với những lý do rất thiếu trách nhiệm như: “Chưa có tiền”, “việc đó để sau”, hoặc đầu tư thiết bị chữa cháy nhưng chỉ là để đối phó với các đoàn kiểm tra nên gần như không có kỹ năng, kiến thức về phòng cháy chữa cháy. Hậu quả là khi có hỏa hoạn sẽ gây thiệt hại rất lớn về tính mạng con người và tài sản.
Qua các vụ cháy mới đây có thể thấy vẫn còn rất nhiều hộ gia đình xem thường các hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác phòng cháy chữa cháy, thậm chí còn có tư tưởng cho rằng, cơ quan chức năng “vẽ” ra để bán bình chữa cháy, để làm khó dễ cơ sở sản xuất kinh doanh.
Để đảm bảo an toàn cháy nổ, cơ quan phòng cháy chữa cháy đã khuyến cáo các doanh nghiệp cần phổ biến cho toàn thể cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo hệ thống cấp nước chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc… Định kỳ hàng năm phải tập huấn nghiệp vụ phòng chống cháy nổ đầy đủ theo quy định.
Theo thống kê, có đến 70% các vụ cháy xảy ra bắt nguồn do chập điện. Chập điện hay do hàn xì thì cũng đều là do ý thức của con người. Nguyên nhân này hoàn toàn cũ, nhưng với hậu quả ghê gớm của nó thì chắc chắn bài học đó vẫn luôn luôn mới và còn nguyên giá trị. Nếu các gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh còn thiếu ý thức phòng cháy, xem nhẹ những cảnh báo của cơ quan chức năng; nếu chính quyền còn thiếu kiên quyết với những cơ sở chưa đủ điều kiện quy định về phòng cháy, chữa cháy thì nguy cơ hỏa hoạn cướp đi tính mạng của nhiều người sẽ vẫn còn./