Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Các địa phương tích cực nâng cao chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết 21

Thứ Năm, 20/09/2018 00:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất nhằm chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang tập trung nâng cao chất lượng dân số.

Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững

Cùng với việc cân bằng giới tính khi sinh và điều tiết mức sinh hợp lý, ngành dân số tỉnh Vĩnh Phúc đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hiện nay tại Vĩnh Phúc, tất cả cơ sở y tế tuyến xã, phường đều lồng ghép chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình với công tác sàng lọc trước sinh và sau sinh. Tại 137/137 xã, phường, thị trấn duy trì mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân góp phần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.

Bên cạnh đó, ngành Y tế Vĩnh Phúc còn phối hợp với các ngành chức năng triển khai 3 mô hình: Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; dự án thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm các dị tật ở trẻ, từ đó có biện pháp can thiệp, điều trị sớm.

Để giữ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,2% vào năm 2020, Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, thay đổi nhận thức và hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; đồng thời, sẽ xử lý nghiêm trường hợp vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi nhằm giảm sự mất cân đối về giới.

Nghệ An nâng cao chất lượng dân số vùng khó khăn

Con Cuông là huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm tỷ lệ lớn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị.

Tạo thói quen thăm khám, chăm sóc sức khỏe sinh sản định kỳ tại các xã chính là mục tiêu mà Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Con Cuông hướng đến. Đây cũng là mô hình nhiều huyện đang tham khảo để nâng cao chất lượng dân số.

Năm 2018, huyện Con Cuông phấn đấu đạt mức sinh giảm 0,4 phần nghìn; giảm tỷ lệ phát triển dân số xuống dưới 1%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 1-1,5% so với năm 2017. Bên cạnh đó, Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên, Bệnh viện đa khoa huyện, đơn vị liên quan tăng cường tư vấn về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân...; trong đó chú trọng đến vùng đặc thù, vùng khó khăn, vùng đông dân.

Cách làm của huyện Con Cuông không chỉ ở địa bàn vùng khó, vùng sâu, vùng xa mà ngay các huyện đồng bằng ở Nghệ An cũng học tập kinh nghiệm. Bởi khi chất lượng dân số được quan tâm cũng có nghĩa là nâng cao thể chất, tinh thần và trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển. Vì thế, những năm qua, cùng với thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tỉnh Nghệ An luôn gắn với nâng cao chất lượng dân số.


Cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất nhằm chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình
sang tập trung nâng cao chất lượng dân số. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: giadinh.net.vn.

Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng nâng cao chất lượng dân số ở các khu công nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chú trọng tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại địa bàn khó khăn, các khu công nghiệp - khu chế xuất. Đây là mục tiêu của Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số năm 2018 đã được Sở Y tế thành phố phát động.

Đây là năm thứ 6 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển khai gói dịch vụ nâng cao chất lượng dân số trong chiến dịch, tại 24 quận, huyện với 82 phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Do đó, các nội dung của công tác dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh được chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Trong công tác tuyên truyền, thành phố chú trọng tư vấn nhóm nhỏ, vận động trực tiếp tại hộ gia đình, đối tượng thuộc diện vận động thực hiện các gói dịch vụ... Bên cạnh đó, thành phố tập trung vận động nhóm đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hoàn cảnh khó khăn, nữ công nhân tại các khu công nghiệp - khu chế xuất tham gia khám, chăm sóc sức khỏe sinh sản; phụ nữ đang mang thai khám sàng lọc trước sinh; các cặp nam, nữ thanh niên sắp kết hôn khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Bạc Liêu đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác dân số và phát triển

Tỉnh Bạc Liêu có thế mạnh nông nghiệp trồng lúa, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản với nhu cầu lao động rất cao song vấn đề dân số vẫn là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của địa phương. Theo đó, quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng. Chất lượng dân số còn hạn chế, nhiều vấn đề sức khỏe sinh sản chưa được giải quyết... Vì vậy, tăng trưởng dân số, phân bố dân cư hợp lý đi đôi với nâng cao chất lượng dân số là một trong những chính sách xã hội cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án 52 về kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển tại Bạc Liêu đã góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vùng biển, ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. UBND các cấp đã quyết định công nhận 292/518 khóm, ấp và hai xã không có người sinh con thứ 3. Bạc Liêu đạt được mức sinh thay thế sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.

Từ kết quả thực hiện Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011- 2020, trong giai đoạn 2018 - 2030, tỉnh Bạc Liêu tập trung giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số, đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số…

Tỉnh Bạc Liêu huy động sự tham gia của cộng đồng, cá nhân, tổ chức chính trị xã hội, khuyến khích tư nhân tham gia vào việc cung cấp dịch vụ dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác dân số và phát triển; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trong tình hình mới; tăng cường năng lực giám sát, đánh giá và dự báo.../.

Thiên An (TH)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN