Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công
(ĐCSVN) – Cá thể hoá trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công đồng nghĩa với việc trao quyền hạn một cách thực chất để không thể đùn đẩy trách nhiệm. Điều đó đòi hỏi người đứng đầu phải sâu sát, tỉ mỉ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để có những đột phá mới trong thực thi nhiệm vụ.
Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 46,44% kế hoạch. Ảnh minh họa/TA |
Trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt mức thấp, trong thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, trước những quy định còn chồng chéo, mức chế tài dường như chưa tương xứng nên việc giải ngân vốn đầu tư công cũng chưa tạo bước đột phá, kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 46,44% kế hoạch. Còn so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân cả nước cũng chỉ đạt 51,34%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (55,8%).
Nguyên nhân của kết quả nêu trên được chỉ ra là do giá vật liệu xây dựng tăng cao, tác động của dịch COVID-19 khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài. Cùng với đó là việc chuẩn bị dự án, thẩm định, tư vấn mất nhiều thời gian, chất lượng lập dự án chưa tốt dẫn đến khi triển khai phải điều chỉnh, mất thời gian làm thủ tục. Hay vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư… Rồi nguyên nhân do chủ đầu tư, nhà thầu yếu về năng lực; có tình trạng bộ, ngành thiếu phối hợp, chậm giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các địa phương…
Nhưng có một điều không đến từ các nguyên nhân nêu trên khiến dư luận phải lên tiếng. Đó là một số dự án cùng cơ chế, chính sách và khó khăn như nhau, nhưng cơ nơi giải ngân đạt kết quả cao, nơi đạt kết quả thấp, thậm chí có nơi xảy ra nghịch lí là không giải ngân được… Chính kết qủa này, nhiều người đặt câu hỏi cho vai trò, trách nhiệm của con người, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp làm chủ đầu tư dự án?
Từ lâu trách nhiệm của người đứng đầu tuy được nhắc đến nhiều vẫn chưa được cụ thể hoá một cách chặt chẽ. Trên thực tế, nhiều dự án chậm giải phóng mặt bằng do người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo tiếp dân, đối thoại để giải tỏa khúc mắc; không kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để bố trí nhà tái định cư. Có trường hợp do khâu chuẩn bị đầu tư không kỹ dẫn đến vướng mắc hoặc không giải ngân được vốn theo kế hoạch...
Trả lời trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hơn một lần cho rằng phải cá thể hoá trách nhiệm. Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành vào đầu năm 2022, Thủ tướng từng nhấn mạnh: "Phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng; phát hiện, giải quyết các hạn chế, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, phòng chống tham nhũng ngay từ khâu xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch; phát hiện, biểu dương bảo vệ, khuyến khích những cách làm mới, cách làm hay, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một lần nữa lại đề nghị Chính phủ cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nội dung này đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Nhiều người đồng tình với việc Chính phủ có giải pháp quyết liệt, phân rõ trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư cho các bộ ngành, địa phương, người đứng đầu. Trong đó người đứng đầu lĩnh vực, địa phương phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Đây là cách cách tiếp cận khoa học và đúng đắn, nó loại bỏ được cách nghĩ, cách làm kiểu "cha chung không ai khóc" hay sai phạm của "tập thể". Từ đó, người đứng đầu buộc phải có tư duy sáng tạo và dám chịu trách nhiệm. Mọi thắng lợi hay thất bại người đứng đầu đều có vai trò quyết định.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu đối với tiến độ đầu tư công, việc cần làm đầu tiên là phải gắn với cam kết và công tác đánh giá cán bộ. Phải lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng thời có tiêu chí, tiêu chuẩn làm căn cứ chấm điểm; thậm chí gắn với công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với những nơi có biểu hiện đùn đẩy, né tránh việc khó, hời hợt, lơ là, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành dẫn đến kết quả yếu kém.
Sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, cùng quyết tâm của các địa phương, đặc biệt là khi những cán bộ đứng đầu thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, tận tâm, tận lực vì việc chung, chắc chắn kết quả giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới nhất định sẽ được cải thiện, thậm chí sẽ có chuyển biến mạnh, tạo “cú hích” cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.