Cà Mau tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Với định hướng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nâng giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân hộ gia đình nông thôn tăng gấp hai lần so với năm 2010.
Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Ban chỉ đạo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng nghiên cứu lựa chọn các sản phẩm ngư, nông và lâm nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc thù của từng địa phương. Điều này nhằm có định hướng quy hoạch và tổ chức các hình thức sản xuất phù hợp với từng loại sản phẩm, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho mỗi sản phẩm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện tái cơ cấu phát triển 6 ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh gồm tôm sinh thái, lúa chất lượng cao, keo lai, cua biển, chuối và cá bổi U Minh. Đặc biệt, tỉnh tăng cường nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt để đưa Cà Mau trở thành đia phương luôn đứng đầu cả nước về phát triển ngành tôm.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Cà Mau cũng được gắn kết chặt chẽ với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tỉnh huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hoàn thiện về cơ sở hạ tầng nông thôn; định hướng sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao nâng suất, giá trị gia tăng và bền vững, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng nông thôn.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết chặt chẽ giữ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, tâp trung đất đai theo quy hoạch phù hợp với các quy định của pháp luật để phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, có biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai…
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một phần quan trọng của tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trường kinh tế của tỉnh, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; nâng cao nâng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; cải thiện nhanh về đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân… góp phần phát triển nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Cà Mau./.