Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Buồn thay…!

Thứ Sáu, 04/11/2022 19:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Buồn thay cho người thầy bị phụ huynh học sinh vác dao đến ép quỳ trước cột cờ ở sân trường để xin lỗi con họ. Buồn thay cho 2 em học sinh là con của người phụ huynh này. Buồn thay cho cách hành xử nhuốm màu côn đồ của người cha thiếu suy nghĩ. Và buồn cho những giá trị đạo đức bị đảo lộn…!

Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Sơn Lâm trong một buổi dọn dẹp vệ sinh. (Ảnh: H.A) 

Xã hội lại chứng kiến thêm một chuyện buồn, bức xúc vì 2 con bị bêu tên trong buổi chào cờ do chưa đóng tiền bảo hiểm, một phụ huynh tên Điệp ở Hà Tĩnh đã vác dao tới trường đe dọa chém nhiều giáo viên và bắt hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi 2 người con của Điệp trước sự chứng kiến của nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên. Và thầy Hiệu trưởng (thầy Thống) đã phải quỳ khoảng 6 phút trước sảnh chào cờ ở sân trường để xin lỗi 2 con của Điệp. Sự việc chỉ dừng lại khi có sự can thiệp của lực lượng Công an và chính quyền địa phương.

Khoan phân tích, mổ xẻ đúng sai trong câu chuyện này, người viết chỉ muốn đề cập xoay quanh cách hành xử của Điệp. Chỉ vì bức xúc con mình bị bêu tên trước các học sinh khác, Điệp đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng, không chỉ là hành động hồ đồ, bột phát mà Điệp hết sức manh động, côn đồ. Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra, nếu như Điệp bị kích động khi gặp phải phản kháng của những người có mặt ở trường học hôm đó. Rất may đã không có sự việc nghiêm trọng nào xảy ra.

Tuy nhiên, câu chuyện này để lại cho xã hội nhiều suy ngẫm về văn hóa hành xử, về sự nóng nảy, vội vàng trong các quyết định mà không hề nghĩ tới hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Buồn thay cho người thầy bị phụ huynh học sinh vác dao đến ép quỳ trước cột cờ ở sân trường để xin lỗi con họ. Buồn thay cho 2 em học sinh là con của người phụ huynh này. Buồn thay cho cách hành xử nhuốm màu côn đồ của người cha thiếu suy nghĩ. Và buồn cho những giá trị đạo đức bị đảo lộn…!

Có lẽ, thầy Thống và những giáo viên cũng như các em học sinh ở Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã có những giây phút hoảng hồn, hú vía vào lúc Điệp xuất hiện với con dao lăm lăm trên tay. Sự nguy hiểm đã qua đi, nhưng nỗi buồn thì vẫn còn ở lại không chỉ với mái trường và người dân địa phương này mà còn là nỗi buồn của ngành giáo dục và cộng động xã hội.

Chao ôi, thật là chua chát! Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam đã được gìn giữ và lưu truyền hàng ngàn đời nay, giờ lại có những hành xử đi ngược lại truyền thống, gây bất bình trong xã hội. Buồn cho câu thành ngữ: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; buồn cho những áp lực không nhỏ, những đòi hỏi khắt khe của xã hội đối với người làm thầy!

Rồi đây, hành vi côn đồ của Điệp sẽ bị xử lý thích đáng của pháp luật. Nhưng có lẽ bản án lớn hơn với Điệp chính là sự cắn rứt lương tâm về những hệ lụy mà Điệp để lại cho các con và gia đình mình. Rồi đây, những người con của Điệp sẽ ra sao khi tận mắt chứng kiến cha mình hành xử côn đồ với các thầy cô ở trường - những người hằng ngày vẫn dạy dỗ các em; làm sao để đối diện với những cái nhìn dè chừng, thậm chí là xa lánh của bạn học bởi tâm lý sợ liên lụy, nhỡ đâu không may lại bị bố bạn "xử đẹp" thì sao…

Buồn thay cho thầy hiệu trưởng, có lẽ thầy Thống không thể tưởng tượng nổi trong cuộc đời làm thầy của mình lại có ngày phải quỳ trước sân trường để xin lỗi học sinh ở chính ngôi trường mình giảng dạy. Tất nhiên, đây là tình thế bị ép buộc, bị làm nhục, nhưng có lẽ, đây cũng là nỗi buồn khó quên nhất với thầy. Chắc thầy cũng nhận ra cái sai của mình, bởi học trò thì không có lỗi trong chuyện chậm/chưa nộp tiền cho nhà trường. Và việc nêu tên các em học sinh trước toàn trường có sự chứng kiến của bạn bè và thầy cô giáo vô tình sẽ làm ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng cho những đứa trẻ, có thể trở thành những nỗi ám ảnh, tự ti cho những đứa trẻ về lâu dài.

Dư luận cực lực lên án hành động của Điệp, nhưng cũng có phần trách thầy hiệu trưởng đã xử lý thiếu tế nhị đối với 2 em học sinh là con của Điệp đang ở ngưỡng tuổi khá nhạy cảm về tâm lý. Phải chăng, nhà trường và cô giáo chủ nhiệm chưa thực sự sát sao khi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của học sinh cũng như giữ mối liên lạc với phụ huynh của các em, vì thế mà thiếu giải pháp hợp lý hơn để giải quyết sự việc khéo léo và thấu đáo hơn.

Sau câu chuyện này, có lẽ nhiều hối hận được những người trong cuộc nhận ra. Xã hội có thêm một bài học về cách hành xử trong cuộc sống. Ngành giáo dục có thêm những góc nhìn trong công tác quản lý, nguyên tắc giao tiếp và xử lý các tình huống với học sinh, phụ huynh, cũng như tầm quan trọng của việc giữ mối liên hệ giữa gia đình với nhà trường. Qua đó, điều chỉnh phương pháp dạy và học phù hợp hơn nhằm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kiến thức và nhân cách cho học sinh, nhất là ở cấp tiểu học.

Dù sao thì sự việc cũng đã xảy ra, dư luận thì vẫn tranh cãi đúng - sai. Nào ai đúng, ai sai, rồi đổ lỗi cho người này, người kia không nên làm thế này, thế kia… cũng là chuyện bình thường. Bởi mỗi sự việc xảy ra, ắt phải có nguyên do của nó. Có điều, cách hành xử trước mỗi sự việc nếu được giải quyết theo cách bình tĩnh, suy xét trước - sau sẽ hạn chế được những điều đáng tiếc xảy ra. Mong sẽ không còn những câu chuyện tương tự. Mong dư luận xã hội sớm khép lại câu chuyện buồn này./.

Khắc Trường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN