BRICS đang ngày càng tạo sức hút lớn?
(ĐCSVN) - Lời kêu gọi mở rộng BRICS bao trùm chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi từ ngày 22 – 24/8 vừa qua. Giới chức Nam Phi cho biết, hiện có hơn 40 quốc gia ở Nam Bán cầu đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập tổ chức này cho thấy sức hút ngày càng lớn của khối.
Sức mạnh của BRICS khi kết nạp thêm thành viên
Thông báo được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 vừa qua cho biết, kể từ ngày 1/1/2024, sẽ có thêm 6 quốc gia gồm: Argentina, Ethiopia, Iran, Ả rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập sẽ chính thức trở thành thành viên của khối.
BRICS được thành lập năm 2009 với 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp thêm Nam Phi một năm sau đó.
Sau khi mở rộng thêm, số thành viên của nhóm BRICS sẽ nâng lên thành 11, trong đó có 3 cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới là Ả rập Xê út, UAE, và Iran. Việc mở rộng thêm thành viên của BRICS được đánh giá là như “hổ mọc thêm cánh”, giúp nâng tầm vị thế và tầm ảnh hưởng của khối này trên trường quốc tế.
BRICS mở rộng sẽ chiếm gần 40% nền kinh tế toàn cầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm BRICS hiện đã vượt GDP của Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) và khoảng cách này sẽ ngày càng lớn hơn khi có thêm 6 thành viên mới gia nhập BRICS vào năm tới.
GDP của BRICS mở rộng tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ vào khoảng 65.000 tỷ USD, đưa tỷ trọng của khối trong GDP toàn cầu tăng từ 31,5% hiện tại lên 37%. Trong khi đó, tỷ trọng GDP của nhóm G7 hiện ở mức khoảng 29,9%.
Ngoài ra, với việc bổ sung các thành viên mới, các quốc gia BRICS sẽ chiếm gần một nửa sản lượng lương thực của thế giới. Năm 2021, sản lượng thu hoạch lúa mì của nhóm lên tới 49% tổng sản lượng toàn cầu. Thị phần của G7 là 19,1%. BRICS mở rộng sẽ chiếm khoảng 38,3% sản lượng công nghiệp toàn cầu, so với 30,5% của G7.
BRICS cũng sẽ có lợi thế về sản xuất kim loại dùng trong ngành công nghệ cao. 11 quốc gia này sẽ chiếm 79% sản lượng nhôm toàn cầu, so với mức 1,3% do G7 kiểm soát. Đối với palladium, sự chênh lệch là 77% đối với BRICS và 6,9% đối với G7.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thủ đô Johannesburg hôm 23/8. (Ảnh: Reuters) |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, động thái mở rộng BRICS là bước đi “lịch sử” và điều đó sẽ mang lại sức sống cho khối. Ông cho rằng, việc kết nạp thành viên mới phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. “Việc mở rộng BRICS mang tính lịch sử. Điều này thể hiện quyết tâm của các quốc gia trong việc thống nhất và hợp tác với các nước đang phát triển rộng lớn hơn. Mở rộng BRICS cũng là điểm khởi đầu mới của các mối quan hệ hợp tác trong khối. Động thái này sẽ mang lại sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS", ông Tập Cận Bình nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, Ấn Độ luôn hoàn toàn ủng hộ việc tăng số lượng thành viên của khối. Ông Modi tuyên bố, “Chúng tôi luôn tin rằng việc kết nạp các thành viên mới sẽ củng cố hơn nữa khối BRICS và sẽ mang lại động lực mới cho những nỗ lực chung của chúng ta”.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã ngay lập tức đánh giá cao việc quốc gia Bắc Phi này được mời gia nhập Nhóm BRICS và mong muốn phối hợp với tổ chức này để đạt được các mục tiêu trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cũng hoan nghênh việc nước này sẽ nằm trong số 6 quốc gia thành viên mới của Nhóm BRICS.
Tạp chí Times cho rằng, Ả rập Xê út - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể với Nga, Iran, UAE và Brazil biến BRICS trở thành một khối tập hợp các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, với việc hầu hết giao dịch năng lượng trên thế giới đều dựa trên đồng USD, việc mở rộng khối giúp thúc đẩy việc trao đổi thương mại thông qua các loại tiền tệ thay thế.
Bà Karin Costa Vasquez, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, việc mở rộng BRICS “mở ra những con đường mới cho thương mại”. Bà nhấn mạnh: "Một trong những mục đích đằng sau kế hoạch mở rộng là tạo cơ hội cho các quốc gia BRICS giao dịch dễ dàng hơn với nhau bằng cách sử dụng đồng nội tệ. Sự thay đổi này có thể làm tăng tiềm năng sử dụng các loại tiền tệ khác, ngoài đồng bạc xanh của Mỹ".
BRICS ngày càng hấp dẫn nhiều quốc gia?
Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi vừa qua không chỉ thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, bên cạnh đó việc kết nạp 6 quốc gia tới từ các khu vực Mỹ Latin, châu Phi và Tây Á làm thành viên mới kể từ năm 2024 đã chứng tỏ sức hút của BRICS.
Với vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao, BRICS đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, chủ yếu là các nước ở khu vực Nam bán cầu - gồm các nước ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi. Ở thời điểm hiện tại, ước tính có trên 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, trong đó, 23 nước đã chính thức đệ đơn xin gia nhập.
Lãnh đạo các nước thành viên hiện tại của BRICS tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại thành phố Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/8. (Ảnh: Reuters) |
BRICS ngày càng trở nên hấp dẫn như một nền tảng mới cho ngoại giao và tài trợ phát triển. Theo các nhà quan sát, nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia ở châu Phi, coi đây là một tổ chức có thể thách thức cấu trúc quản trị toàn cầu do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chi phối. Trong khi đó, một số các quốc gia khác tìm kiếm quyền được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS.
Hội nghị BRICS diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo BRICS khẳng định cam kết với chủ nghĩa đa phương và duy trì luật pháp quốc tế. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng khuyến khích các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế.
Tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva nêu rõ, việc hiện có nhiều quốc gia mong muốn gia nhập BRICS cho thấy đường lối đúng đắn của nhóm khi quyết định theo đuổi trật tự kinh tế thế giới mới.
Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi cho biết, việc mở rộng BRICS hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn, giải quyết vấn đề nghèo đói, giáo dục, công nghệ, dịch vụ y tế… đối với các nước đang phát triển.
Ông XN Iraki, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Nairobi nhận định rằng, nhiều quốc gia coi BRICS là cơ hội để thoát khỏi sự thống trị của phương Tây cả về kinh tế và chính trị.
Việt Nam quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận mở rộng thành viên của BRICS
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Việt Nam có ý định gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về việc mở rộng thành viên của nhóm này.
Bà Phạm Thu Hằng nói: “Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu và khu vực.
Việt Nam quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về việc mở rộng thành viên của BRICS. (Ảnh: VCG) |
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS. Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS được tổ chức tại Nam Phi, Việt Nam là 1 trong số 71 quốc gia được nước chủ nhà mời dự hội nghị.
Với hơn 1/4 diện tích và hơn 40% dân số thế giới, BRICS là một khối hợp tác lớn mạnh, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Quan hệ đối tác giữa các thành viên BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về phạm vi và chiều sâu. Khoảng 150 cuộc họp được tổ chức hằng năm trên cả ba trụ cột hợp tác BRICS gồm chính trị và an ninh, tài chính và kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân.
"Tiềm lực của các nước BRICS đã vượt qua nhóm G7 gồm các nước phát triển và đây chính là ý nghĩa của BRICS ở cấp độ kinh tế. Cơ chế này cũng ngày càng trở nên thu hút hơn với các thành viên tiềm năng khác", ông Andrey Spartak, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Đối ngoại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, cho biết.
Các chuyên gia đánh giá, sự đa dạng về kinh tế và phân tán về mặt địa lý đang giúp BRICS hướng tới một viễn cảnh toàn cầu rộng khắp, với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn hơn và sẽ tạo thách thức đối với các nước phương Tây./.