Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ trưởng Tài chính Mỹ tiếp tục hối thúc Quốc hội nâng trần nợ công

Thứ Ba, 10/08/2021 15:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 9/8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tiếp tục hối thúc Quốc hội nâng mức trần nợ công thông qua hành động của cả lưỡng đảng trong bối cảnh Chính phủ nước này sắp rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: Reuters)

Cũng trong một thông báo gửi các nhà lập pháp Mỹ, bà Yellen đồng thời đưa ra cảnh báo về các tổn hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế cũng như đối với kế sinh nhai của tất cả người dân nếu Quốc hội không tăng hoặc đình chỉ mức nợ trần trước khi Chính phủ cạn kiệt ngân sách vào tháng 10 tới đây.

“Quốc hội nên hành động như trước đây để bảo vệ niềm tin và sự tín nhiệm của Mỹ”, bà Janet Yellen nói và gọi đây là “trách nhiệm chung”.

Bà Janet Yellen cho biết, hành động nâng trần nợ công không làm gia tăng chi tiêu Chính phủ, mà mở ra cho Bộ Tài chính dư địa tài chính rộng lớn hơn để tài trợ cho các hoạt động đã được Quốc hội phê duyệt. 

Trong bức thư trước đó gửi tới Quốc hội hồi tháng 7 vừa qua, bà Yellen cho rằng đa số khoản nợ đã dồn lại từ trước thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden và các thành viên lưỡng đảng đã phải họp nhiều lần để giải quyết vấn đề này.

Nợ trần là mức giới hạn tổng số tiền mà Chính phủ liên bang Mỹ được phép vay nợ. Vào năm 2019, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu đình chỉ quy định về trần nợ đến hết ngày 31/7/2021. Kể từ ngày 1/8, trần nợ sẽ được tái áp đặt ở mức 22.000 tỷ USD như cũ, cộng với số nợ tích lũy suốt giai đoạn đình chỉ trần nợ. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã phải tạm dừng các khoản thanh toán thường kỳ cho một số quỹ hưu trí và phúc lợi liên bang. Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, nếu Quốc hội không nâng trần nợ công hoặc đình chỉ mức trần nợ công, Bộ Tài chính sẽ ngừng bán trái phiếu Chính phủ liên bang và địa phương, cũng như ngừng đầu tư vào các quỹ hưu trí của Chính phủ đến ngày 30/9 tới.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), Bộ Tài chính chỉ có thể trang trải kinh phí cho đến tháng 10 hoặc tháng 11, sau thời điểm đó, Bộ trên có thể phải hoãn thanh toán hoặc rơi vào tình cảnh vỡ nợ.

Trong gần 1 thập kỷ qua, Mỹ đã ghi nhận 3 lần Chính phủ đóng cửa vào năm 2013, 1/2018 và tháng 12/2018. Những lần Chính phủ ngừng hoạt động này đã dẫn đến hàng chục nghìn nhân viên không thiết yếu bị cho nghỉ phép và những người ở các vị trí trọng yếu khác thì buộc phải làm việc mà không được trả lương.

Thống kê cho thấy, nợ công và thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19 sau khi nước này thông qua 3 dự luật chi tiêu khổng lồ nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với kinh tế. Theo CBO, nợ công của nước này tính đến tháng 6/2020 là 28.500 tỷ USD và thâm hụt trong năm 2021 ước tính sẽ lên tới 3.000 tỷ USD, chỉ thấp hơn mức thâm hụt kỷ lục trong năm 2020. 

Trong nhiều năm qua, nâng trần nợ công là một vấn đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời kêu gọi phải có nguyên tắc tài chính. Nguy cơ Chính phủ phải ngừng hoạt động đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ.

Tuần trước, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng phe Dân chủ nên có hành động riêng để giải quyết vấn đề trần nợ công./.

Hoài Hà (Theo Reuters, Bloomberg)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN