Bộ trưởng Bộ Công thương nêu hàng loạt giải pháp xử lý hàng giả, hàng nhái
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định về xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Tại phiên chất vấn, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) dẫn báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội có đánh giá hiệu quả của công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và gần đây thực sự chủ yếu xuất hiện nhiều trên không gian mạng.
Trước thực trạng trên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết giải pháp về chế tài xử phạt như thế nào để đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa và lộ trình thực hiện ra sao?
Cũng quan tâm nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nêu rõ, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu đang trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, làm tổn hại đến doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương làm rõ thêm và cho biết những giải pháp nào đã và đang triển khai để hướng tới xử lý triệt để vấn đề này?
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. |
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong kinh tế thị trường, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là vô cùng quan trọng; đồng thời là thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là trong môi trường thương mại điện tử.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này. Điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án về chống hàng giả, hàng nhái, sửa đổi, bổ sung những quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Đồng thời triển khai cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua Cổng thông tin quản lý thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là Cổng điện tử quốc gia tại Cục Thương mại điện tử, kinh tế số (Bộ Công thương).
Bộ cũng đã phối hợp tốt với các lực lượng trong phòng, chống gian lận thương mại, bao gồm các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 của địa phương. Yêu cầu các sàn giao dịch, các website rà soát, ngăn chặn, bóc gỡ hàng ngàn gian hàng giả, hàng kém chất lượng và những đối tượng vi phạm một vài lần trở lên. Tăng cường hơn nữa trong việc truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng trở thành người tiêu dùng thông thái và xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan để xử lý những vấn đề này, bao gồm công nghệ thông tin, tài chính và ngân hàng.
"Chính vì áp dụng hàng loạt các biện pháp cho nên trong thời gian vừa qua đã xử lý hàng chục ngàn trường hợp vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định về xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. “Việc này không phải chỉ Bộ Công thương hay một số bộ, ngành mà đòi hỏi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, kể cả doanh nghiệp và người sản xuất cũng phải vào cuộc tích cực, thực hiện nghiêm túc Đề án thì mới có hiệu quả”.
Cũng theo Bộ trưởng, cần phối hợp các lực lượng cả trong và ngoài nước để xử lý kịp thời gian hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi, thương mại điện tử thì nguồn hàng từ bên ngoài về là rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng của nhà nước, của địa phương và kể cả cơ quan chức năng của các nước liên quan.
Bên cạnh đó, làm tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa cơ quan liên quan bao gồm Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để quản lý các vấn đề về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, nâng cao hiệu quả cổng thông tin điện tử tiếp nhận và xử lý thông tin về hiện tượng vi phạm về gian lận thương mại. Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông giúp người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình.
Để thực hiện được những nhiệm vụ này, Bộ trưởng mong muốn có sự vào cuộc các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là người dân để kịp thời đấu tranh, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi trong môi trường thương mại điện tử./.