Bộ trưởng Bộ Công an: Cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi sẽ tạo nhiều thuận lợi
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc cấp căn cước công dân (CCCD) cho trẻ dưới 14 tuổi không ảnh hưởng đến quyền của các cháu và sẽ tạo nhiều thuận lợi. Việc cấp căn cước công dân cho trẻ em là để hội nhập quốc tế...
Sáng 17/3, tiếp tục phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với hai dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm cơ sở pháp lý và sự đồng bộ, thống nhất trong việc tích hợp, quản lý, sử dụng thông tin trong thẻ Căn cước công dân theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sau khi ban hành Luật Căn cước công dân đã có nhiều văn bản của Đảng được ban hành, chỉ đạo rất cụ thể về quản lý xã hội và phục vụ Nhân dân. Điển hình như Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra mục tiêu năm 2030 toàn bộ dân số Việt Nam sẽ được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư thống nhất quy mô toàn quốc; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã xác định xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia hình thành trong hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng của địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, Văn kiện Đại hội Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng xác định nhiệm vụ phải đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ cho các cơ quan nhà nước tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp kết nối liên thông các hệ thống cơ sở dữ lớn; hoàn thành xây dựng và vận hành hệ thống liên thông kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý…
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc hướng tới là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, không ai không có giấy tờ pháp lý điện tử.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình tại phiên họp. (Ảnh: Phạm Thắng) |
Bộ trưởng cũng nêu rõ, trên thực tế trẻ em có rất nhiều giao dịch. "Chúng ta kêu gọi Chính phủ điện tử thì các cháu cũng phải được giao dịch. Bây giờ mua sim điện thoại phải có căn cước thì các cháu dưới 14 tuổi có được dùng điện thoại không, hay bây giờ phải đăng ký của bố mẹ để dùng? Trẻ có được tham gia các hoạt động trên môi trường mạng không? Hoàn toàn được" - Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Nhắc đến yêu cầu quốc tế trẻ vừa sinh được cấp hộ chiếu ngay, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh, trẻ không còn giấy tờ gì để giao dịch. "Giờ đi học cũng phải dựa vào khai sinh, đi lại cũng phải giấy khai sinh. Đi máy bay, nhiều hành khách nêu lý do con bị mất giấy khai sinh để được lên máy bay hoặc có trường hợp đi mượn giấy khai sinh của một cháu nào đấy tương thích để có được giấy tờ… Giấy khai sinh không chứng minh được người trong giấy khai sinh và người trình giấy khai sinh là một người" - Bộ trưởng Tô Lâm nêu và nhấn mạnh những bất cập này chưa thể giải quyết được.
Bộ trưởng khẳng định, việc cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi không ảnh hưởng đến quyền của các cháu và sẽ tạo nhiều thuận lợi. Căn cước công dân làm cho trẻ cũng sẽ không làm theo thời hạn như người lớn, vì có những đặc trưng do trẻ còn phát triển nên có thể tính tới 5 năm cập nhật một lần, trong hệ thống quản lý đồng bộ thì không lo có sự cố. Mặt khác, Bộ trưởng cho biết, việc cấp căn cước công dân cho trẻ em là để hội nhập quốc tế, khi hiện nay, các nước ASEAN đang hướng đến thống nhất các loại giấy tờ, công dân Việt Nam có thể đi lại các nước trong khu vực bằng căn cước công dân. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, không cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi là khoảng trống khiến công dân không có giấy tờ để hội nhập quốc tế.