Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bổ sung, phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam

Thứ Tư, 31/08/2022 15:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Việc nghiên cứu kịp thời, đánh giá đúng thực trạng, nghiên cứu kinh nghiệm, thành tựu lý luận và thực tiễn của các đảng cộng sản và phong trào công nhân ở các nước tư bản trên thế giới cũng là công việc thiết thực đối với quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bổ sung, phát triển, hoàn thiện nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Sáng 31/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Tọa đàm khoa học “Sự phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH của các đảng cộng sản và phong trào công nhân ở các nước tư bản trên thế giới và tác động đến tiến trình tìm tòi, bổ sung, phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới”.

Quang cảnh Tọa đàm 

Dự và chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương;  PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương… cùng các đại biểu và các nhà nghiên cứu đến từ Ban Đối Ngoại Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện CTQG Hồ Chí Minh.

Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã trình bày những tham luận về quan điểm của Đảng Cộng sản các nước (Pháp, Nhật Bản, Đức…) về CNXH; lý luận về CHXH và con đường đi lên CNXH của các đảng cộng sản và phong trào công nhân ở các nước tư bản. Từ đó, đưa ra những đánh giá khái quát về những thành tựu nổi bật trong nhận thức mới về CNXH và con đường đi lên CNXH mà các đảng cộng sản và phong trào công nhân ở các nước tư bản trên thế giới đạt được trong thời kỳ cải cách, đổi mới, cập nhật hóa. Đồng thời nêu rõ giá trị, ý nghĩa của những thành tựu lý luận và thực tiễn của các đảng cộng sản và phong trào công nhân ở các nước tư bản trên thế giới trong hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng CNXH và tư tưởng CNXH đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay…

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Thành phân tích, CNXH ra đời và phát triển trong lòng xã hội tư bản trong những năm 40 của thế kỷ XIX. Mục tiêu cao cả của xã hội XHCN là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện.

Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời từ sau thắng lợi của cuộc Cách mạng XHCN tháng Mười Nga (1917), sau năm 1945, đã trở thành hệ thống XHCN thế giới. Trong hơn 70 năm tồn tại, CNXH hiện thực đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa to lớn đối với hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Vì nhiều lý do, CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã rơi vào khủng hoảng và sụp đổ vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Những gì xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu không phải là sự sụp đổ của “CNXH khoa học”, mà chỉ là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể của CNXH hiện thực đã rơi vào trì trệ, mất động lực phát triển; cải tổ ở Liên Xô và Đông Âu từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước.

CNXH mới là giải pháp thay thế nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của giai cấp lao động và tạo ra một xã hội bình đẳng hơn. Thực tiễn cho thấy, các đảng cộng sản, phong trào công nhân và các đảng với tư tưởng cánh tả vẫn tồn tại, duy trì hoạt động và phát triển, thậm chí cầm quyền ở các nước tư bản chủ nghĩa, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính 2008 đến nay.

Dưới tác động của các cuộc cách mạng công nghiệp với sự phát triển của khoa học công nghệ, chủ nghĩa tư bản đã có sự phát triển, đồng thời bộc lộ bản chất và những mâu thuẫn nội tại của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chính sự phát triển rất nhanh của lực lượng sản xuất đã tác động tới phương thức sản xuất dẫn tới mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa ngày càng cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Bằng chứng thể hiện một cách rõ nhất mâu thuẫn này chính là các cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính chu kì (1825, 1836, 1847, 1857, 1933… Mới đây nhất là khủng hoảng tài chính 2008) cho thấy mâu thuẫn ngày càng nhanh hơn, gay gắt hơn.

Hiện nay, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với tốc độ cấp số nhân chưa từng có trong lịch sử. Tiêu chí tốc độ lan truyền của công nghệ được sử dụng đạt ngưỡng 50 triệu người (điện thoại 75 năm, radio cần 38 năm, tivi cần 13 năm, Internet chỉ cần 4 năm, Facebook cần 3,5 năm). Về kinh tế tác động đến tiêu dùng, sản xuất, năng xuất và giá cả. Bản đồ kinh tế thế giới, bản đồ sức mạnh của các quốc gia,  doanh nghiệp cũng đang được vẽ lại. Sự xuất hiện của hệ sinh thái Internet và trí tuệ nhân tạo. Quan hệ quốc tế vì thế cũng có nhiều biến động. Cạnh tranh chiến lược nước lớn cũng trở nên gay gắt hơn giữa những nước đi đầu về khoa học - công nghệ; các nước lớn đều lấy việc làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại làm cơ sở để xác lập địa vị của mình trong trật tự quốc tế, điều này đang gây biến động nhất định đối với cục diện thế giới, khu vực.

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Thành, chủ nghĩa tư bản trong hơn 400 năm từ khi ra đời đến nay đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi để vượt qua khó khăn, thách thức, tồn tại và phát triển, từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh tới chủ nghĩa tư bản độc quyền, độc quyền nhà nước, ngày nay là chủ nghĩa tư bản hiện đại, toàn cầu hóa, nhưng vẫn mang trong mình những mâu thuẫn không thể giải quyết nếu không phủ định, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản.

Mới đây nhất, chủ nghĩa tư bản hiện đại có đặc điểm lớn so với tất cả các giai đoạn phát triển trước đây là trình độ phát triển rất cao của lực lượng sản xuất, trình độ khoa học công nghệ rất cao của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Trong quá trình điều chỉnh, thích ứng, chủ nghĩa tư bản hiện đại bộc lộ một số yếu tố có thể xem là những mầm mống của chủ nghĩa xã hội hình thành trong lòng xã hội tư bản như: Sự tham gia ngày càng nhiều của người lao động, phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác tự quản của người lao động, các chính sách phúc lợi xã hội, an sinh xã hội của nhà nước. Nhưng có thể khẳng định rằng những điều chỉnh, những đặc điểm mới, yếu tố mới đó vẫn chưa phá vỡ được khuôn khổ, nền tảng của chế độ tư bản chủ nghĩa, vẫn chỉ là những điều chỉnh, những sự chuyển biến trong khuôn khổ của chế độ tư bản và sở hữu “tư nhân” là hồn cốt không hề thay đổi.

Từ những lập luận nêu trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, đối với Việt Nam, nghiên cứu kịp thời, đánh giá đúng thực trạng, nghiên cứu kinh nghiệm, thành tựu lý luận và thực tiễn của các đảng cộng sản và phong trào công nhân ở các nước tư bản trên thế giới cũng là công việc thiết thực đối với quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bổ sung, phát triển, hoàn thiện nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo phát biểu kết luận Tọa đàm

Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo khẳng định, qua tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các bài tham luận, các ý kiến phát biểu đều thống nhất rằng các các đảng cộng sản, công nhân các nước tư bản phát triển trong thời gian qua đã nêu ra quan điểm về CNXH trên cả 3 phương diện. Một là, trên phương diện hệ tư tưởng hệ thống lý luận; hai là, coi CNXH như là một chế độ xã hội cụ thể sinh động; ba là, CNXH theo hướng phong trào hiện thực đa dạng, phong phú.

Trên phương diện hệ thống lý luận khoa học, hệ tư tưởng các đảng cộng sản và công nhân nhìn chung nhìn nhận CNXH như là một chế độ của giải phóng và phát triển. Từ những ý kiến tham luận phong phú có thể đúc rút ra những nhận định chung rằng, các đảng cộng sản, công nhân công nhân đều coi mô hình Xô Viết (1917-1991) là một mô hình đặc thù. Khi xây dựng CNXH hiện nay, các đảng cộng sản, công nhân ở các nước tư bản phát triển đều nhấn mạnh hàng đầu nội dung dân chủ, phê phán những mô hình chuyên chế độc tài, nhấn mạnh quyền lực của nhân dân lao động, nhà nước pháp quyền dân chủ. CNXH hiện nay phải hướng vào mô hình phát triển bền vững, bảo đảm sự hài hòa giữa con người xã hội và thiên nhiên. CNXH hoàn chỉnh là một chế độ không còn bóc lột, áp bước bất công và là một xã hội ở đó con người được tự do và phát triển toàn diện…

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh, chủ đề Tọa đàm ngày hôm nay được lựa chọn với dụ ý chúng ta và nhìn chung trên thế giới ngày nay nhất thiết phải xây dựng CNXH trên nền phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản. PGS.TS Nguyễn Viết Thảo cũng đề cập tới việc sẽ tổ chức 1 cuộc tọa đàm khác để đánh giá, phân tích xem các đảng công nhân, các đảng cánh tả ở ngoại vi tư bản chủ nghĩa họ nhìn nhận về CHXH như thế nào bởi ở góc độ ngoại vi có thể sẽ mang lại những sự nhìn nhận phong phú đa dạng hơn nhiều./.

T.Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN