Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ Nội vụ “lên tiếng” vụ Trưởng khoa Đại học Luật Hà Nội bị tố vi phạm đạo đức

Thứ Tư, 30/03/2022 21:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)– Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật cán bộ công chức, viên chức, để công tác đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ công chức bảo đảm thực chất hơn, sát thực tiễn hơn, tránh trường hợp vi phạm pháp luật về đạo đức lối sống

Chiều 30/3, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. 

Khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành

Tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết: Trong Quý I, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ xem xét, quyết định trong Quý I/2022 theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian và đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay, Bộ Nội vụ rất cố gắng phấn đấu đạt tiến độ sớm nhất, nhưng qua quá trình rà soát cho thấy, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự là những vấn đề vô cùng nhạy cảm, phức tạp, cần được dư luận xã hội chia sẻ, vì đòi hỏi vừa làm vừa đảm bảo tính ổn định và tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: TH. 

Liên quan trách nhiệm nêu gương của Bộ Nội vụ trong công tác sắp xếp này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho hay: Sau khi có Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Nội vụ rất tích cực rà soát sắp xếp lại bộ máy bên trong. Đặc biệt, cơ bản không còn cấp phòng trong vụ thuộc Bộ và phòng trong vụ thuộc Tổng cục; các đầu mối thuộc học viện, trường, Cục Văn thư lưu trữ… cũng được tổng rà soát lại. Tổng số các đầu mối bên trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đã giảm được 18 đầu mối.

Cũng theo Thứ trưởng, về định hướng sắp xếp, Bộ Nội vụ được giao quản lý nhà nước lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nên đương nhiên phải thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật, nhất là luôn quán triệt nguyên tắc “một đơn vị, tổ chức có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một đơn vị làm đầu mối chủ trì”, đảm bảo tính sử dụng đội ngũ thực sự hiệu quả…

Sẽ sửa luật để đánh giá cán bộ, công chức sát hơn, tránh vi phạm pháp luật

Liên quan vụ một Trưởng khoa của Trường Đại học Luật Hà Nội bị tố cáo cưỡng bức tình dục, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, đã nắm được thông tin vụ việc trên. Thông tin mới nhất là đồng chí này đã có đơn xin thôi việc. 

Vụ trưởng Nguyễn Tuấn Ninh cho hay, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong 5 tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại, tiêu chí thứ hai là đánh giá về đạo đức, lối sống. Nghị định số 90/2020/NĐ-CP phân cấp người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức xây dựng quy chế hoặc phân cấp cho người đứng đầu các đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để ban hành quy chế và trực tiếp tổ chức đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Bộ Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm về kết quả đánh giá, xếp loại các bộ, ngành, địa phương. 

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 88/2017/NĐ-CP và mới nhất là Nghị định 90/2020/NĐ-CP, qua theo dõi, tổng hợp của Bộ Nội vụ cho thấy, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Nghị định đã bám sát chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; có sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống – là những tiêu chí đặc biệt quan trọng trong đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện nay, Vụ Công chức, viên chức được lãnh đạo Bộ Nội vụ giao tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nội dung về đánh giá, xếp loại đối với cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Trả lời về việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm đã thực chất chưa và có cần phải sửa đổi quy trình, các quy định để không còn xảy ra tình trạng cán bộ thoái hóa, biến chất như vậy, Vụ trưởng Nguyễn Tuấn Ninh cho biết: “Tại thời điểm hiện nay và theo lộ trình đến năm 2023, Vụ Công chức-Viên chức sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp rà soát những quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước và thực tiễn để nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ để sửa đổi bổ sung Luật cán bộ công chức, viên chức. Trong đó sẽ cố gắng làm sao để công tác đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ công chức bảo đảm thực chất hơn nữa, sát thực tiễn hơn nữa để tránh trường hợp vi phạm pháp luật về đạo đức lối sống”./.

 

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN