Bỏ khung giá trần vé may bay nên hay không?
(ĐCSVN) - Một số chuyên gia đề xuất rằng cần bỏ khung giá trần vé máy bay để giá vé máy bay theo cơ chế thị trường, tạo nền tảng phát triển lành mạnh cho hãng bay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ giá trần vé máy bay dễ dẫn đến việc được tự định giá tự tăng giá, các doanh nghiệp khác cũng sẽ tăng theo và người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Và câu chuyện nên hay không nên bỏ trần giá vé máy bay đã được đưa ra tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Bỏ giá trần vé máy bay sẽ có lợi cho hãng hàng không vào giai đoạn cao điểm du lịch hè, Tết… Tuy nhiên, điều này có thể khiến hành khách gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ hàng không vào dịp cao điểm. (Ảnh: M.P) |
Khung giá vé máy bay hiện được áp dụng theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 24-7-2015 về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
Theo thông tư này, khung giá vé máy bay đang được áp dụng, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500-800km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Đây là mức giá thu thuộc về hãng hàng không, còn về phía khách hàng sẽ phải thanh toán thêm thuế VAT áp dụng trên doanh thu thuộc về hãng hàng không cộng thêm mức thuế, phí sân bay (từ 80.000 – 120.000 đồng tùy theo các cấp sân bay).
Thực tế cho thấy, do gánh nặng dịch bệnh, chi phí nhiên liệu, tỷ giá và lãi suất, năm vừa qua báo cáo tài chính của các hãng hàng không cho thấy không doanh nghiệp nào có lãi.
Thống kê cho biết năm 2022, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 305.080 chuyến bay thương mại, tăng gấp 2,34 lần so với năm 2021 và bằng 90,2% chỉ số tương ứng của năm 2019, trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, theo khẳng định của các hãng hàng không, sự phục hồi của các doanh nghiệp vận tải hàng không trong chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới.
Giá nhiên liệu bay (Jet A1) liên tục tăng vọt trong năm 2022, có thời điểm đạt mức trên 160 USD/thùng. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay đạt 130 USD/thùng, tăng khoảng 80% so với mức trung bình của năm 2021. Trong giai đoạn trước mắt, giá Jet A1 vẫn được dự báo dao động ở mức 110-130USD/thùng, gây bất lợi lớn cho các hãng hàng không, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu chiếm tới hơn 40% tổng chi phí khai thác.
Bên cạnh đó, USD tăng giá khoảng 9% so với VND trong năm 2022 cũng gây áp lực tài chính lớn cho các hãng bay, khi đây là đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán các chi phí hoạt động, như: phí mua nhiên liệu, thuê mua tàu bay, dịch vụ thuê ngoài phục vụ hành khách. Đây đều là các nhân tố ảnh hưởng mạnh tới khả năng điều tiết giá cả một cách hiệu quả của các hãng bay, cũng như toàn thị trường. Do đó, trong ngành hàng không nội địa đang tồn tại một nghịch lý là mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng nhiều hãng bay vẫn báo lỗ.
Đây là lý do dù cạnh tranh gay gắt với nhau, nhưng tất cả các hãng hàng không trong nước đều chung kiến nghị cần thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa; nhất là trần giá vé máy bay quá thấp đang kìm hãm sự phục hồi và tăng trưởng của ngành.
Thực tế cho thấy, bỏ giá trần vé máy bay sẽ có lợi cho hãng hàng không vào giai đoạn cao điểm du lịch hè, Tết… Tuy nhiên, điều này có thể khiến hành khách gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ hàng không vào dịp cao điểm. Nguy cơ này là hiện hữu bởi hạ tầng hàng không đang quá tải, không thể nở rộng thêm.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã từng đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có sự cạnh tranh của 3 hãng trở lên, qua đó giúp các hãng hàng không chủ động trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn.
Các hãng hàng không cũng kiến nghị, nếu chưa thể sửa được luật, thì trước mắt cơ quan quản lý nhà nước có thể cho phép các hãng được điều chỉnh nâng giá trần phù hợp với các chi phí đầu vào ở thời điểm hiện tại và phù hợp với các quy định của pháp luật.
Hiện Việt Nam đang là một trong số ít các nước trên thế giới còn áp dụng khung giá vé máy bay trên các đường bay nội địa.
Trước những kiến nghị này nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ nhiều ý kiến, thậm chí trái chiều.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam đã hội nhập , không thể một mình mình một quy định. Việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành hàng không, giá cả và các yếu tố cấu thành giá hàng không thay đổi rất nhanh, cứ áp giá trần là không theo kịp.
Còn theo TS Lương Hoài Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không đã nêu ý kiến cần bỏ trần vé máy bay, để cho thị trường quyết định giá dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường. Việc duy trì trần giá vé máy bay sẽ làm các hãng hàng không mất đi cơ hội cải thiện tài chính ở giai đoạn cao điểm. Bên cạnh đó, việc này cũng vô hình trung làm kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa.
GS-TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng cho rằng, giá cả dịch vụ hàng không khác giá cả hàng hóa thông thường bởi giá hàng hóa thông thường niêm yết giá và mặc cả được. Giá dịch vụ hàng không xét phương diện cấu trúc giá vé phức tạp hơn rất nhiều khi phụ thuộc nhiều giá nguyên nhiên liệu, thuê tàu bay, nhân lực, biến động tỷ giá…
GS-TS Trần Thọ Đạt cho biết, rất ít nước trên thế giới áp giá sàn và trần vé bay, sớm hay muộn nên bỏ giá trần. Tuy nhiên GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh, vẫn cần có công thức điều hành giá và tạo khung dao động đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân. Cơ chế quản lý giá có yếu tố đặc thù nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để đảm bảo sự phát triển của ngành hàng không ổn định lâu dài, bền vững.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, bỏ giá trần thì cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp hàng không, phải công khai, minh bạch hơn để người dân yên tâm không bị các hãng “bắt tay nhau ép giá” khách hàng. Các hãng nên đa dạng phân khúc khách hàng theo từng mức giá, quản trị cải thiện minh bạch hơn nữa, tái cấu trúc quyết liệt hơn, bao gồm cả chuyển đổi số để bứt phá.
Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển lại cho rằng thị trường hàng không Việt Nam chưa phải đúng nghĩa kinh tế thị trường bởi hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, thậm chí cần rất nhiều điều kiện để được cấp phép hoạt động. Do đó, việc có giá trần để cơ quan quản lý nhà nước điều tiết, bảo đảm quyền lợi của hành khách là cần thiết.
Nhiều quan điểm khẳng định rằng, yếu tố giá là yếu tố quyết định mạnh nhất vào nhu cầu tiêu dùng. Nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trong giai đoạn này là làm sao có giải pháp tiết kiệm và quản lý chi phí hiệu quả nhất để có thể đưa ra các gói giá khuyến mãi kích cầu cùng chương trình quốc gia.
Việc bỏ trần giá vé máy bay vẫn là một đề xuất mà để điều chỉnh cần phải nghiên cứu và cân nhắc suy xét. Để một ngành kinh tế nào đó phát triển, chính sách đưa ra cần cân đối hài hòa lợi ích của 3 yếu tố gồm: Chính phủ - người tiêu dùng - nhà sản xuất. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách giá trong hàng không bên cạnh việc tôn trọng theo quy luật thị trường, quan hệ cung - cầu, thì việc quản lý cũng cần đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, định hướng cho thị trường phát triển lành mạnh./.