Bộ Kế hoạch và Đầu tư sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024
(ĐCSVN) - Chiếu 15/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 63 điểm cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư 63 tỉnh, thành phố.
Làm tốt công tác tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HNV) |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Hội nghị hôm nay được tổ chức trong bối cảnh có nhiều điểm thuận lợi cần được khai thác, phát huy tốt hơn nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức cần tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó, khắc phục, tháo gỡ để hướng tới đạt kết quả tốt nhất của cả năm 2024.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện và rất đáng khích lệ, đã hoàn thành và hoàn thành vượt kỳ vọng nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ.
“Đạt được như vậy là nhờ các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đã có những nỗ lực vượt bậc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nhiều nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Các kết quả đạt được cho chúng ta thêm niềm tin và những kỳ vọng, động lực mới để phấn đấu đạt cao hơn mục tiêu năm 2024 được Quốc hội đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế” - Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 6 tháng tới là thời gian đặc biệt quan trọng, với nhiều công việc, nhiệm vụ lớn đặt ra cho toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê. “Chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, đã làm tốt thì cần làm tốt hơn nữa, đã hiệu quả thì hiệu quả hơn nữa, sáng tạo hơn nữa công tác tham mưu, phải bám sát tình hình, chủ động kiến tạo và khai thác những thời cơ, cơ hội mới cho phát triển đất nước”- Bộ trưởng chỉ rõ.
Dịp này, Bộ trưởng yêu cầu, cần làm rõ công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành đã đủ sâu sát, quyết liệt chưa? Nhất là về hoàn thiện pháp luật; thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; thu hút FDI, thúc đẩy đầu tư tư nhân; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; phát triển các ngành, lĩnh vực mới, tiềm năng…; chia sẻ những kinh nghiệm tốt, bài học hay, cách làm sáng tạo, giải pháp mới để tiếp tục phát huy; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách, các quan điểm, định hướng mới trên tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực cao nhất, tinh thần đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
Song song, phân tích sâu sắc thêm bối cảnh, tình hình thời gian tới, các giải pháp trọng tâm, điểm mấu chốt, khâu đột phá trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê với các bộ, ngành, địa phương để tổ chức xây dựng kế hoạch năm 2025, chuẩn bị tổng kết, đánh giá kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2026 - 2030.
Bên cạnh đó, chú trọng các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu đặt ra trong công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 và kế hoạch trung hạn 2026 - 2030; kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về quy hoạch… Các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…. Tăng cường liên kết vùng, phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế…
Báo cáo sơ kết tại Hội nghị cho biết, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành khối lượng công việc lớn, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó phần lớn là các việc quan trọng của nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 04 Nghị quyết của Quốc hội, 04 Nghị định của Chính phủ (hiện đang trình 07 Nghị định chờ ban hành), 04 Nghị quyết của Chính phủ, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 09 Thông tư của Bộ trưởng; làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của Tổ công tác liên Bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn đầu tư kinh doanh, 06 Tổ công tác đôn đốc giải ngân, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, 07 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban chỉ đạo khác; làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án quan trọng quốc gia; hoàn thành 45 đề án, báo cáo lớn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Cụ thể như sau:
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ được giao nhiều đề án lớn, quan trọng. Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đổi mới khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của đất nước. Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đã tập trung, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với công tác tham mưu điều hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Các điểm cầu tham gia Hội nghị trực tuyến (Ảnh: HNV) |
7 nhiệm vụ, giải pháp nửa cuối năm 2024
Hội nghị đã nghe: Báo cáo về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân; Báo cáo về việc triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi) của Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu; Tham luận về đổi mới tư duy trong liên kết, phát triển vùng; phát huy tối đa tiềm năng của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ; Phát biểu của các bộ, ngành, địa phương về khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cho 6 tháng cuối năm 2024: Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Đăk Lăk, Bình Phước, Tiền Giang….
Hội nghị nhất trí chung về 7 nội dung phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phương châm hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2024, gồm có:
Một là, tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt để hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; tiếp tục chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động, phát triển các mô hình kinh tế mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường tham mưu và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Ba là, tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để kịp thời điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Bốn là, thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng để xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2026 - 2030 trình Đại hội XIV của Đảng.
Năm là, triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng đối với các đề án, nhiệm vụ được giao, trong đó, tập trung vào một số đề án, nhiệm vụ trọng tâm như: (i) Nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công; (ii) Trình Chính phủ ban hành các Nghị định: Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp…; (iii) Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời, bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; (iv) Triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030; (v) Tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương, Nghị quyết số 106/2023/QH15, trên cơ sở đó, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng; (vi) Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch 05 vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ; (vii) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng; (viii) Xây dựng các đề án: Nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên…; (ix) Xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; (x) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống ngành kinh tế xanh, quy định pháp lý về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, đề xuất các gói cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; (xi) Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực; (xii) Tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức Diễn đàn quốc gia về chuyển đổi xanh...
Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát các quy định pháp luật về huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 20/2023/NĐ-CP và Nghị định số 114/2021/NĐ-CP.
Bảy là, tiếp tục điều tra, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê kịp thời, chính xác phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ./.