Bộ GTVT trả lời về việc thu phí BOT trên Quốc lộ 5
(ĐCSVN) – Liên quan đến trạm thu phí BOT quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sau khi các tài xế phản đối trạm thu phí này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và các cơ quan liên quan của Bộ GTVT, nhà đầu tư đã có phản hồi với báo chí.
Ảnh minh họa (Nguồn: Thành An)
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, dòng tiền thu phí từ BOT quốc lộ 5 trong thời gian qua chính là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Thứ trưởng cho biết, Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có đặc thù khác các dự án khác. Tuyến quốc lộ 5 trước đây được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước đi vay, sau đó tiến hành thu phí để trả nợ cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, ngày 29/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1621 về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng tới năm 2016 chủ đầu tư mới được thu phí chính thức. Còn trước đó, việc thu phí trên quốc lộ 5 là để nộp ngân sách nhà nước.
“Dòng tiền thu phí từ quốc lộ 5 trong thời gian qua chính là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… Đây là quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2007 và các văn bản quy phạm pháp luật thời điểm đó cũng không có quy định nào cấm không được làm như vậy” - ông Đông nói.
Cũng theo ông Đông, ngày 13/3/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 18/2012 về Quỹ Bảo trì đường bộ, khi đó mới có quy định các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách Nhà nước không được tiến hành thu phí. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống thu phí trên quốc lộ và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bỏ các trạm thu phí nộp hoặc trả nợ ngân sách Nhà nước, đồng thời di chuyển các trạm thu phí về đúng phạm vi dự án.
“Sau khi xem xét ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT là sẽ bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách. Các trạm thu phí tại những dự án được đầu tư bằng tiền Nhà nước đi vay để làm cũng bỏ, riêng các trạm thu phí để hoàn vốn dự án BOT được giữ lại vì Nhà nước đã có cam kết với nhà đầu tư bằng hợp đồng BOT, trong đó có hai trạm thu phí quốc lộ 5 gắn với dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng” - ông Đông cho hay.
Ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) - chủ đầu tư BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đơn vị đang thu phí quốc lộ 5 cho biết, trong quyết định ban đầu của Thủ tướng Chính phủ, Vidifi được phép thu phí, không phải bỏ chi phí bảo trì, sửa chữa quốc lộ 5, nhưng thực tế không hoàn toàn được thực hiện như vậy. Cụ thể, trong 8 năm thu phí (từ 2009 - 2016), doanh thu thu phí quốc lộ 5 khoảng 1.800 tỷ đồng, trừ thuế VAT còn lại gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quốc lộ 5 xuống cấp, trong giai đoạn từ 2013 - 2016, nguồn thu phí từ quốc lộ 5 đã phải bỏ ra để sửa chữa tuyến đường này khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Chiến cho hay, theo phương án tài chính và các nguồn hỗ trợ cho dự án Nhà nước đã cam kết, để hoàn vốn, dự án sẽ thu phí trên cả tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 với thời gian khoảng 29 năm. Doanh thu của đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng năm 2016 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, trong khi lãi vay phải trả là 2.800 tỷ đồng. Nếu chỉ thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà không có phần hỗ trợ của Nhà nước thì không thể hoàn vốn dự án.
“Nếu bây giờ không thu phí quốc lộ 5, kéo theo đó là 30% lượng xe từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chuyển sang đi trên quốc lộ 5 để không mất phí, chắc chắn phương án tài chính của dự án sẽ phá vỡ” - ông Chiến nói.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước mắt, trên cương vị cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục đã chỉ đạo đơn vị thu phí phân luồng giao thông. Theo đó, tạo riêng một làn giữa để các xe ưu tiên, xe cấp cứu, xe trả phí tháng qua lại thông suốt. Những xe khác, xe cố tình gây cản trở sẽ có các làn phía ngoài.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong tổng số 23.000km đường bộ trên cả nước hiện nay chỉ có 1.700km đường làm BOT, riêng quốc lộ 1 là 908km. Nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ khoảng 6.500 tỷ đồng/năm, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
“Hiện, còn 8.500km đường bộ đến kỳ vào cấp nhưng không có tiền để làm, điển hình là đường Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng 15 năm (từ năm 2002) nhưng không có tiền nên đến giờ mới bảo trì được 35%. Còn đối với các dự án BOT, việc sửa chữa, bào trì tuyến đường do nhà đầu tư bỏ tiền, Quỹ Bảo trì đường bộ không được phép chi. Do vậy, một số chủ phương tiện nói đã đóng quỹ bảo trì rồi thì không phải trả tiền phí BOT là lấy lý do để cố tình chống đối thu phí” - ông Huyện nói./.